Uyên Ý mở ra trước mắt Gia Bách một thế giới mới.
Cô dễ dàng gỡ bỏ sự bài xích của cậu với các môn xã hội. Uyên Ý
nói rằng mọi thứ trên đời này đều có thể dùng logic để giải thích. Và quả thực
cô đã chứng minh cho cậu thấy. Bây giờ trong mắt Gia Bách, Uyên Ý là một tượng
đài chói lọi. Đối với cô, ngoài sự ngưỡng mộ và cảm phục ra thì chính là tò mò.
Uyên Ý là một người bí ẩn. Dù cô từng kể vài câu chuyện về bản
thân và gia đình với cậu, nhưng Gia Bách cảm thấy cậu chẳng biết gì về cô hết.
Cô kể nhiều, nhưng trong những mẩu chuyện đó chẳng có mấy thông tin.
Cái xã này không ngớt đưa chuyện về cha con Uyên Ý, dù chẳng có
điều gì là xác thực cả.
Cha con ông nhà thơ họ Vương vừa tai tiếng vừa nổi tiếng. Riêng sự
xuất hiện tỏa ra muôn trượng hào quang của hai cha con ở cái xã nghèo này đã đủ
khiến hàng trăm kẻ đỏ mắt trông theo, đó là nổi tiếng. Còn tai tiếng là vì...họ
nổi tiếng quá.
Có vô vàn câu chuyện thêu dệt về họ. Gia Bách biết được một số,
bởi mẹ cậu là trung tâm của nguồn thông tin chứ đâu xa.
Họ nói ông Vương Khiêm vỡ nợ ở Hà Nội nên mới phải về nông thôn
trốn. Vô lý, đã vỡ nợ đi trốn còn đàng hoàng xây được cái biệt thự lớn đùng đó
sao?
Có kẻ lại nói thân phận nhà thơ là giả, ông Khiêm là một tay mafia
khét tiếng. Kẻ xấu tính hơn lại nói hai người họ vốn chẳng phải cha con, thực
chất chính là đại gia và tình nhân trẻ.
Các lời đồn đoán cái sau quá đáng hơn cái trước. Nhưng đều có hai điểm
chung, thứ nhất là phi lý. Thứ hai, tất cả đồn đại đều để bêu rếu hai cha con
Uyên Ý.
Chắc hẳn cha con họ thừa biết, nhưng chưa từng tỏ ra khó chịu hay
phân trần điều gì. Cứ như họ tồn tại ở một thế giới khác hẳn, không buồn để tâm
tới sự nhỏ mọn của hàng xóm, có lẽ họ hiểu rõ điều đó chẳng thể làm ảnh hưởng
tới mình.
Gia Bách đoán vậy.
Cậu chỉ gặp Uyên Ý khi cô tới dạy kèm, còn trong các khoảng thời
gian khác, cậu không bao giờ thấy bóng dáng cô ở làng xã. Cô học đại học ở Hà
Nội, chỉ trở về vào dịp Tết và nghỉ hè thì không nói. Vậy mà ngay cả ông Khiêm,
cha Uyên Ý cũng như một bóng ma. Ông Khiêm đã sống ở đây 4 năm , nhưng Gia Bách
chưa một lần nhìn thấy mặt ông, dù cậu thường xuyên đi qua biệt thự hoa mai
xanh trên đường đi học về.
Uyên Ý vẫn tới gia sư cho cậu đều đặn vào dịp hè. Sau một thời
gian tiếp xúc, Gia Bách chú ý tới nét đặc biệt ở cô.
Khi tới dạy học, Uyên Ý luôn đi tay không, chưa từng mang theo bất
cứ tài liệu, giáo trình nào. Từ đầu tới cuối cô dạy không cần nhìn vào sách.
Mọi trích dẫn văn thơ, số liệu năm, thông tin về tác giả tác phẩm cô đều nằm
lòng. Uyên Ý có phông kiến thức rộng tới bất ngờ. Không chỉ văn, sử, địa mà
ngay cả khoa học, triết học cũng biết.
Khác với mọi người kêu bố gọi mẹ, Uyên Ý gọi ông Khiêm là ba, mẹ
là mợ.
Bất kể làm gì, Uyên Ý luôn đủng đỉnh. Giống như chẳng điều gì có
thể khiến cô hoảng hốt. Từ tốn giải quyết, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát.
Sống lưng luôn thẳng, dù là đứng hay ngồi. Dạy học suốt hai tiếng
đồng hồ, Gia Bách chưa từng thấy lưng cô vặn vẹo, vai rũ xuống hay tỏ ra uể
oải. Ngay cả khi ngồi trên ghế có tựa lưng, cô vẫn ngồi thẳng một cách nghiêm
túc.
Uyên Ý luôn cười mỉm. Nụ cười hữu duyên đẹp mê hồn, khiến người ta
không thể rời mắt.
Cuối cùng, Uyên Ý có thói quen vuốt tóc ra sau tai.
Đó là tất cả những gì Gia Bách biết về Uyên Ý.
Sự tồn tại của cô, dường như có điều gì đó không thật.
---
8 giờ 30 tối thứ ba, Uyên Ý đang kể dở vở kịch Romeo và Juliet của
Shakespeare cho Gia Bách nghe thì không gian đột ngột tối sầm. Mất điện.
Điện của xã Phước Ninh từ lâu vẫn luôn chập chờn như vậy. Các hộ
dân đều được khuyến khích dùng bóng đèn tiết kiệm điện vậy mà ánh sáng luôn lờ
mờ do nguồn điện yếu. Vào mùa hè, việc mất điện diễn ra thường xuyên. Lúc này
bỗng dưng mất điện, Gia Bách chẳng bất ngờ chút nào.
Trong nhà, ngoài trời phủ một màn tối tăm, tiếng chó ngoài ngõ sủa
ing tai.
Bà Túc gọi vọng lên.
“Mất điện rồi Bách. Cả đèn đường bên ngoài cũng tắt. Kiểu này chắc
còn lâu mới có điện, con đưa chị Uyên Ý về nhà đi.”
“Vâng.”
Ở vùng quê này, mới hơn 8 giờ tối đã chẳng khác nào nửa đêm. Lại
còn mất điện, ai nấy đều khóa cửa, gọi con vào nhà. Không có việc gì làm, nhiều
người đi ngủ sớm. Chỉ còn văng vẳng trong gió tiếng chó sủa ma.
Gia Bách cầm trong tay chiếc đèn pin, soi trên con đường đất quen
thuộc. Quầng sáng vàng rọi xuống nền đất ngổn ngang sỏi đá.
Từ nhà Gia Bách tới biệt thự hoa mai xanh mất 15 phút đi bộ. Uyên
Ý biết cách nói chuyện nên một kẻ kiệm lời như Gia Bách cũng không khỏi cuốn
hút vào cuộc trò chuyện với cô. Một lát sau đã tới khu cô sống.
Không giống như tất cả chìm vào bóng tối, ngôi biệt thự vẫn sáng
đèn.
Kỳ lạ hơn, cánh cửa lớn của biệt thự lại mở rộng, chiếu ánh đèn từ
trong nhà rọi ra ngoài. Một chiếc ô tô đen đỗ bên ngoài căn biệt thự. Xã nghèo
này làm gì có ai mua được ô tô, mấy chiếc xe tải, xe khách và taxi là thứ bốn
bánh mà Gia Bách được nhìn thấy tận mắt. Cậu không biết nhiều về các hãng ô tô.
Nhưng hình dáng xe hiện đại kia cho cậu biết nó hơn hẳn các loại ô tô gia đình
bình thường.
Ngay cả cha con Uyên Ý cũng không sở hữu ô tô. Xe đỗ bên ngoài, có
nghĩa đây là khách.
Gia Bách quay đầu nhìn Uyên Ý. Dù chỉ là trong tích tắc, cậu thấy
đôi mắt cô tối sầm lại.
Cậu ngỡ mình hoa mắt.
“Chị Uyên Ý, tại sao nhà chị lại có điện? Nhà chị có máy phát điện
à?”
Cô bình thản trả lời.
“Không. Trên mái nhà có lợp tấm pin năng lượng mặt trời. Nhà chị
không dùng máy phát điện vì ở đây mua xăng dầu không tiện, mà tích trữ nhiều
trong nhà thì không an toàn.”
Giọng cô đều đều, không có gì khác thường. Rồi cô ngẩng đầu nhìn
Gia Bách, mỉm cười.
“Cậu đưa chị tới đây là được rồi. Chị tự vào nhà.”
“Dạ...vâng.”
“Chào cậu.”
“Dạ...Em chào chị.”
Từ biệt xong cô liền bước đi. Gia Bách trông theo bóng lưng thẳng
tắp lạnh lùng của cô cho tới khi nó biến mất sau cánh cổng cao.
Updated 33 Episodes
Comments