Bà Túc dụi mắt đến lần thứ ba, vội vã kéo tay áo chồng.
“Này, ông nó, có phải tôi bị hoa mắt rồi không? Có phải thằng Bách
đang cầm trên tay quyển sách Ngữ văn không?”
Ông Minh nhăn nhó trước sự náo loạn của bà Túc, ngẩng đầu lên nhìn
thì cũng ngây ra. Quả là Gia Bách đang cầm sách văn, lại còn đang đọc say sưa.
Ông Minh lắp bắp.
“Cô bé gia sư này...dạy dỗ...có hiệu quả.”
Hôm qua, sau khi Uyên Ý trở về, cậu vội lên mạng tìm truyện ngắn
“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Bất ngờ là nó nằm trong chương trình giảng dạy lớp
11, vậy là Gia Bách vội bóc bọc sách giáo khoa mới ra để đọc. Sau đó cậu tò mò
đọc sang cả cách tác phẩm khác trong sách.
Bố mẹ cậu không biết hôm qua Uyên Ý đã dạy những gì, chỉ thấy con
trai chủ động chịu đọc, không bài xích như trước đã là cả một bước tiến lớn.
Đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Rốt cuộc cũng đã tìm người trị được bệnh
mù văn của con trai.
Chỉ một buổi học chưa đủ để cậu chuyển hoàn toàn hứng thú sang văn
học. Nghỉ hè, cậu không đi nghỉ mát hay đàn đúm với bạn bè. Gia Bách giành hoàn
toàn thời gian ở trong nhà. Dù sinh ra và lớn lên giữa ánh nắng vàng gay gắt
của dải đất miền Trung, Gia Bách sở hữu làn da trắng nhợt, thêm quầng mắt thâm
và dáng đi ủ rũ. Dẫu cậu sống khép kín, nhưng với chiều cao khác thường của
mình, khá nhiều học sinh trong trường chú ý tới cậu. Mỗi khi Gia Bách đi qua,
họ thường chỉ trỏ, rỉ tai nhau, đặt cho cậu biệt danh là ma cà rồng.
Phần lớn thời gian Gia Bách dùng để luyện đề toán. Nhưng mỗi ngày,
cậu sẽ giành ra hai mươi phút để xem các tác phẩm trong sách. Không hiểu nhiều
lắm, nhưng cậu dần cảm thấy đôi nét thú vị, một số bài thơ khá hay.
Một tuần Uyên Ý chỉ tới kèm cậu hai buổi, vào thứ ba và thứ sáu.
Gia Bách biết mẹ cậu phải kỳ công nhờ vả thì Uyên Ý mới nhận gia
sư cho cậu, hơn nữa chẳng phải cô cần vài đồng tiền của mẹ, gia cảnh của cô vốn
tốt hơn nhà cậu gấp mấy lần. Uyên Ý đồng ý vì nể mặt hàng xóm là chính. Tuy
vậy, Gia Bách cảm nhận được sự nghiêm túc của cô. Uyên Ý thực sự muốn truyền
đạt những gì cô biết cho cậu, chứ không phải miễn cưỡng dạy chống đối. Vì vậy,
Gia Bách không muốn làm Uyên Ý và bố mẹ thất vọng.
Cậu cúi đầu chăm chú đọc sách.
Nhưng cậu vẫn chứng nào tật nấy.
Đọc vài ba dòng văn, thoáng một cái Gia Bách đã ngủ chẳng biết gì.
Mở mắt ra, đã chiều tối, chuẩn bị ăn cơm.
Từ thứ ba tới thứ sáu, Gia Bách chẳng đọc lọt thêm một dòng văn
nào. Đến đoạn trích truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam trong sách giáo
khoa cũng chưa xong.
7 giờ tối thứ sáu, Gia Bách chột dạ nhìn hàng mày khẽ nhíu lại của
Uyên Ý.
Cậu chẳng dám mở miệng. Uyên Ý không giao bài tập cho cậu, cũng
chẳng dặn là phải học thuộc, đọc trước hay soạn bài gì. Dạy xong cô về nhà, Gia
Bách vẫn băn khoăn mãi vì không thấy được giao bài tập về nhà như lệ thường.
Uyên Ý nhìn cuốn vở soạn văn của cậu mà nhíu mày.
Gia Bách lo lắng, cô không vừa lòng sao? Nhưng chắc chắn là cậu
viết đúng mà, thậm chí còn tham khảo văn mẫu. Không thể sai được.
Uyên Ý xem cuốn vở hồi lâu rồi mới ngẩng đầu lên, nhìn cậu mà nói.
“Cậu thích học kiểu này ư?”
Gia Bách lắp bắp.
“Dạ...Sao...sao hả chị?”
Cô điềm đạm nhắc lại.
“Chị hỏi cậu thích học kiểu này à?”
Gia Bách chẳng nói chẳng rằng, sợ mình đáp sai.
Uyên Ý thu hết biểu cảm của cậu vào mắt, nói:
“Xem trước bài học. Rất tốt. Chủ động tiếp cận kiến thức trước khi
được dạy, cậu sẽ có chính kiến riêng trước khi được dạy.”
Cô đặt ngón tay lên cằm, cân nhắc.
“Nhưng chị cảm thấy cách học này không hợp với cậu.”
“Dạ?”
“Cách học phù hợp với số đông chưa chắc thỏa đáng để áp dụng cho
tất cả.”
Uyên Ý xoay quyển vở về hướng cậu, chỉ vào trang giấy.
“Cậu chép y nguyên phần thông tin chung và tổng kết trong sách
giáo khoa. Còn mục trả lời câu hỏi và đánh giá toàn bộ là giọng văn mẫu. Viết
hai trang giấy mà có năm lần chữ nguệch ngoạc, đổi nét mực. Cậu ngủ gật? Chắc
chắn cậu viết dở rồi dừng lại năm lần mới được hai trang giấy này.”
Cô nghiêm khắc nhìn Gia Bách.
“Chép văn mẫu là cách nhanh nhất để giết chết hứng thú học.”
Gia Bách tái mặt, Uyên Ý nói không sai một chữ. Cô hẳn rất giận.
Chắc chắn cậu sẽ bị kiểm điểm rồi.
Vậy mà câu tiếp theo của Uyên Ý một lần nữa khiến cậu bất ngờ.
“Chẳng phải học kiểu này rất chán nản sao? Chị không cần cậu học
đối phó thế này.”
Gia Bách kinh ngạc ngẩng đầu. Thu vào tầm mắt cậu là gương mặt mỉm
cười xinh đẹp của Uyên Ý, cô chẳng hề tỏ ra trách móc hay phật lòng. Bỗng cô
đọc một đoạn thơ.
“Người ở trung tâm, tôi tận chân trời
Một đời phiêu bạt, nghiêng tai lắng nghe vì người
Buổi sum vầy mới có thể đứng ôm nhau đứng thẳng
Người kiên định, quỹ tích của tôi mới vẹn toàn
Người không thay đổi, tôi mới có thể trở về nơi ban đầu gặp gỡ.”
Gia Bách ngơ ngác, Uyên Ý hỏi:
“Cậu thấy bài thơ kia thế nào?”
Không chờ cậu trả lời, Uyên Ý nói tiếp:
“Bài thơ này được viết bởi John Donne, một nhà thơ lớn của Anh vào
thế kỷ XVII. Một bài thơ tình mang hình ảnh ẩn dụ. Một vật mà dân tự nhiên như
cậu vô cùng quen thuộc. Đó là compa. Chiếc compa có cấu tạo như thế nào nhỉ?”
Uyên Ý nhìn thấy một cái compa sắt đặt bên chồng sách của Gia
Bách, định vươn tay lấy. Được nửa đường, tay cô khựng lại giữa không trung.
Uyên Ý nhìn chồng sách sắp xếp chỉn chu hơn cả trong thư viện. Cô hạ mi mắt
xuống rồi thu tay về. Gia Bách tưởng cô không với tới bèn lấy hộ.
Cô nhận lấy chiếc compa trong tay Gia Bách rồi nói.
“Hai thân của compa, một cái gắn đinh ở đầu để cố định tâm đường
tròn, cái còn lại gắn bút vẽ. Hai thân compa được nối với nhau bởi bản lề. John
Donne ví đôi tình nhân như hai thanh của chiếc compa. Mỗi một đầu compa là một
người. Những người yêu nhau, trong nhiều hoàn cảnh, phải chia xa. Nhưng tình
yêu giống như cái bản lề gắn kết họ, dù có cách bao xa, vẫn luôn hướng hướng về
nhau.”
Uyên Ý đặt compa lên giấy, vừa xoay một vòn tròn trên giấy vừa
nói:
“Người đợi chờ, là thanh gắn kim, phải đứng thẳng, vững vàng và
kiên định. Nhờ đó, người đi xa, tức là thanh gắn bút, mới có thể vẹn toàn mà vẽ
nên một đường tròn hoàn mĩ. Nếu người ở lại không đứng chờ ở điểm ban đầu,
đường tròn sẽ chệch hướng, cả hai cùng thất bại. Còn nếu có, nếu niềm tin yêu
của cả hai đủ vững chắc, đường tròn viên mãn. Và khi tái ngộ, hai thanh của
chiếc compa đứng ôm nhau thẳng tắp.”
Kết thúc cậu nói, một hình tròn hoàn hảo xuất hiện trên trang giấy
trắng. Uyên Ý cài bản lề compa lại, hai thân compa đứng cạnh nhau, hệt như đôi
tình nhân kiên trung qua lời kể của Uyên Ý.
Đột nhiên, Gia Bách cảm thấy như bị một thiên thạch từ ngoài vũ
trụ rơi thẳng vào đầu. Cậu mê mẩn tới sững sờ.
Uyên Ý ngâm nga.
“Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi hôn lại
Hôn đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt”
Cô chống nhẹ tay lên cằm, ra chiều suy tư.
“Cũng là thơ tình, nhưng lại khác hẳn rồi không? Đoạn trích vừa
rồi là từ bài thơ “Biển” của Xuân Diệu, một nhà thơ lớn của Việt Nam, nổi lên
từ phong trào thơ Mới thế kỷ XX. John Donne cũng viết thơ tình, nhưng hai tác
phẩm có đặc trưng hoàn toàn khác nhau. Điều đó được quyết định bởi tác giả. Bởi
thể loại, đặc trưng, tư tưởng, nghệ thuật riêng của tác giả. Mà bản thân tác
giả lại là một sản phẩm của thời đại, hoàn cảnh sinh ra và lớn lên, học tập,
biến cố hay hoàn cảnh sáng tác. Tất cả đều logic và có liên kết với nhau. Đâu
phải ngẫu nhiên mà bất cứ tác phẩm nào trong sách giáo khoa cũng giới thiệu vô
cùng tường tận về tác giả. Không có sự vật, sự kiện nào sinh ra trên đời chỉ để
mất đi hết. Nó tồn tại là để dẫn đến, hoặc giải thích cho điều gì đó.”
Ánh mắt của Uyên Ý sáng ngời, trong veo như mảnh pha lê dưới nắng.
“Văn học là một bộ môn khoa học. Nó khó hơn toán học, vật lý, hóa
học. Bởi khác với các phản ứng máy móc, văn chương vừa duy lý, vừa duy tình.
Văn thơ được viết bởi con người, vì thế nó chính là con người. Mà chẳng phải
con người chính là thứ khó cắt nghĩa nhất trong vũ trụ này hay sao?”
Cô nhếch môi tạo thành một đường cong đầy kiêu kỳ, nhẹ đưa mắt về
phía Gia Bách, thả giọng chậm rãi.
“Tác phẩm luôn nêu lên đặc trưng của tác giả. Nếu tìm hiểu tác
phẩm, cậu phải nắm được tác giả đó. Hoặc ngược lại, từ tác phẩm suy ra đặc điểm
của tác giả. Giống như một điều tra viên chuyên nghiệp phân tích hiện trường vụ
án vậy.”
Uyên Ý vén lọn tóc ra sau tai, điềm tĩnh nói:
“Gia Bách, tác phẩm luôn nói lên đặc trưng của tác giả. Hãy nhớ kỹ
điều ấy.”
Updated 33 Episodes
Comments