Đúng 7 giờ tối, tiếng gọi cửa trong trẻo cất lên.
“Cháu chào chú Minh, cô Túc. Cháu tới gia sư cho Gia Bách ạ.”
Lúc này Gia Bách vừa rửa bát xong, đang cất đĩa lên chạn. Cậu hoảng
hốt suýt chút nữa đánh rơi chiếc đĩa.
Uyên Ý tới rồi.
Bà Túc niềm nở đón cô, ông Minh tính nghiêm khắc, chỉ chào lại rồi
tiếp tục xem thời sự. Uyên Ý mang biếu bố mẹ cậu hoa quả đặt trong cái túi rất
đẹp, sáu quả táo đỏ bóng đặt ngăn nắp trong hộp giấy cứng, nhìn bên ngoài tựa
như một cái hộp gỗ bọc gấm vậy. Cả cuộc đời Gia Bách chưa từng thấy cái gì như
vậy, cậu tròn mắt. Bố mẹ cậu cũng thoáng sửng sốt. Bà Túc hoạt ngôn, khéo léo
nói mấy câu khách sáo rồi gọi vọng vào bếp.
“Bách đâu con, đưa chị Uyên Ý lên phòng học này.”
Biết không thể trốn tránh được nữa, Gia Bách chậm chạp bước ra
phòng khách. Như mọi khi, mặt cậu cúi gằm xuống đất.
Gia Bách lí nhí:
“Em chào chị.”
Cậu lén nhấc mắt trộm nhìn Uyên Ý.
Bây giờ rất mốt hình tượng các cô gái nhỏ có đôi mắt to tròn dễ
thương. Uyên Ý lại không có chút nào giống thế. Vẻ đẹp của cô không chạy theo
mốt. Gia Bách cảm thấy Uyên Ý là một cô gái truyền thống.
Nhưng không phải vì mái tóc đen dài tự nhiên hay phong thái thiếu
nữ Hà Thành xưa của cô.
Gia Bách nhận định như vậy, bởi vì đôi mắt.
Mắt phượng.
Gia Bách chưa từng thấy ai có đôi mắt giống Uyên Ý.
Đôi mắt là thứ đầu tiên người ta chú ý khi nhìn gương mặt cô. Mắt
hai mí có hình dáng thon dài, đuôi mắt hơi nhọn và cong lên, thêm hàng mi hệt
như cánh bướm quyến rũ. Tròng đen nhiều và sáng, thần quang rõ ràng, từ xa đã
bị ánh nhìn của cô thu hút. Chỉ một cái chớp mắt đã thể hiện được phần nào sự
kiêu ngạo và phú quý của chủ nhân nó.
Uyên Ý nhìn thẳng vào mắt cậu, tiến thêm một bước. Cô mỉm cười,
khẽ gật đầu.
“Chào Gia Bách, chị là Uyên Ý.”
---
Thực tình, khi dẫn Uyên Ý lên căn gác xép nhỏ của mình, nỗi xấu hổ
không nói thành lời nảy sinh trong lòng cậu. Cô sống trong căn biệt thự duy
nhất trong xã, xa hoa, lộng lẫy tột bậc. Gia Bách bỗng thấy ngôi nhà mình đang
ở trở nên vô cùng xập xệ. Đỉnh điểm là lúc Uyên Ý bước lên gác xép, không chú ý
mà bị cộc đầu lên trần. Cô không kêu ca nhưng cậu chẳng thể khống chế mà cảm
thấy mặc cảm. Thậm chí còn không dám quay lại hỏi thăm một tiếng, chỉ hy vọng
mình đã cúi đầu đủ thấp để cô không nhìn thấy vẻ ngượng chín trên mặt.
Cậu chẳng có lấy một bộ bàn ghế tử tế. Gia Bách ngần ngại chỉ vào
cái bàn gỗ xếp chỉ to hơn cái gối hình chữ nhật, lúng búng không ra tiếng. Uyên
Ý chẳng tỏ ra khách sáo, lẳng lặng ngồi xuống. Cô không ngồi ngay cạnh, cũng
không ngồi đối diện mà ngồi ở góc bàn bên cạnh chỗ của cậu. Nếu Uyên Ý ngồi đối
diện thì sẽ khiến một người cao lớn như Gia Bách đặt chân sẽ không thoải mái.
Gia Bách sống khép kín, chưa thân quen, nếu đùng cái ngồi xuống cạnh sẽ làm cậu
khó chịu. Vì thế Uyên Ý ngồi ở cạnh bàn bên trái, đây là vị trí hài hòa không
gây thù địch với đối phương, hai người vừa dễ dàng quan sát, vừa tạo khoảng
cách thích hợp.
Đương nhiên Gia Bách không biết điều này. Cậu chỉ bất giác cảm
thấy thoải mái hơn đôi chút.
Uyên Ý lơ đãng nhìn lên trần nhà, cảm thán:
“Lâu lắm rồi chị mới có cảm giác ấm cúng thế này. Phòng của cậu
giống hệt phòng của chị hồi nhỏ.”
Gia Bách ngạc nhiên.
“Chị từng sống trong căn gác xép nhỏ như thế này? Em thấy nhà chị
ở bây giờ rất lớn.”
“Nhà cũ của chị. Diện tích chỉ hơn 16 mét vuông, thêm cái gác xép
nhỏ.”
Cậu bất ngờ. Cậu nghĩ nhà Uyên Ý giàu lắm cơ. 16 mét vuông, nghĩa
là nhỏ hơn căn nhà hiện tại của cậu mấy lần, còn chưa tính sân vườn phía sau
nữa. Gia Bách chưa nghĩ xong, Uyên Ý đã nói tiếp.
“Chị còn chẳng được hưởng thụ một mình một không gian riêng, tới
tối là cả nhà cùng nhau nằm trên gác xép, mỗi đêm trước khi đi ngủ, chị mở mắt
nhìn trần nhà, nhủ rằng sẽ có một ngày chị lớn lên, đỉnh đầu sẽ cao chạm trần
nhà.”
Cô ngồi thẳng lưng, xoay người thẳng về phía Gia Bách. Lúc này
giọng của cô vương chút tiếc nuối.
“Nhưng rốt cuộc chị chẳng chờ được ngày đó. Ba chị sau đó bán căn
nhà đó đi, gia đình chị chuyển đi chỗ khác. Có chút kỳ quặc, nhưng chị luôn
tiếc nuối căn nhà chật chội nặng mùi ẩm mốc đó. Dù chuyển tới nơi rộng rãi,
khang trang hơn, lòng chị vẫn luôn mặc định ngôi nhà cũ kỹ kia mới chân chính
là nhà mình.”
Chỉ biết cô tới từ Hà Nội, chính xác ở đâu thì không rõ, Gia Bách
bèn hỏi:
“Căn nhà đó ở đâu hả chị?”
“Nhà cũ của chị ở Hàng Đào.”
Gia Bách ngậm miệng. Dù có mù tịt thế nào cậu cũng không thể không
biết khu phố Cổ Hà Nội tấc đất tấc vàng, một mét vuông ở phố Cổ đủ để dựng một
ngôi nhà tốt ở nông thôn. Lại còn là Hàng Đào, một trong những con phố chính.
Giá trị của nhà mặt đường khu phố Cổ càng lúc càng giá trị, có tiền chưa chắc
đã mua được. Vì thế chẳng ai dại mà bán. Ông Khiêm dám từ bỏ miếng đất,
quả là bản lĩnh.
Không để Gia Bách mông lung lâu, Uyên Ý nói tiếp:
“Thực ra mức sống ở phố Cổ không giá trị như mọi người tưởng đâu.
Nhà mặt phố và nhà mặt ngõ, cái lên voi, cái xuống chó rồi. Hơn nữa nhiều hộ
còn không có nhà vệ sinh, nhà tắm tử tế.”
Gia Bách càng nghe càng tò mò. Cậu ngồi thẳng, nhìn vào mắt Uyên Ý
tự lúc nào mà không hay.
“Thời Pháp thuộc, họ cho xây dựng nhiều nhà vệ sinh, nhà tắm công
cộng. Thực ra, ban đầu cũng để phục vụ cho nhu cầu của họ thôi. Trong cuốn “Một
chiến dịch ở Bắc Kỳ” xuất bản tại Paris năm 1896 mô tả vệ sinh ở Hà Nội năm
1883 là “Những túp lều dày đặc bao quanh hồ Gươm, lối đi xuống hồ là những ngõ
nhỏ nồng nặc mùi xú uế và nước tiểu. Thành phố này không có bất kỳ nhà vệ sinh
công cộng nào”. Vào các phiên chợ đông đúc mua sắm hay khi đi dạo phố, binh
lính, quan chức, sĩ quan Pháp cùng vợ con không có nơi giải quyết. Sau những nỗ
lực đề đạt, năm 1981, đốc lý Hà Nội cho xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Đây
chính là những nhà vệ sinh công cộng đầu tiên của Hà Nội. Nhưng lúc này chỉ
dành để phục vụ người nước ngoài, “Tây đầm”, nên dân ta gọi là “Nhà vệ sinh
đầm”. Đến năm 1902, quốc hội Pháp quyết định chọn Hà Nội làm thủ đô của liên
bang Đông Dương, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua quy hoạch thành
phố, gọi là “Phía đông nước Pháp”, mở rộng khu phố Pháp ở phía Nam hồ Gươm,
cùng với đó là các công trình nhà vệ sinh.”
Gia Bách há hốc miệng. Cậu chưa từng nghĩ tới điểm này. Tại sao ở
khu phố Cổ có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng xây bằng gạch từ xưa, còn ở các
quận, huyện mở rộng ở Hà Nội lại không có? Cậu chỉ nghĩ đơn giản rằng ở đó tụ
tập nhiều khách du lịch, nhu cầu đương nhiên nhiều hơn. Thì ra việc có nhiều
nhà vệ sinh công cộng để giữ gìn vệ sinh ở khu phố Cổ đã thành lệ từ xưa.
Như đọc được suy nghĩ của cậu, Uyên Ý nói:
“Hà Nội bây giờ không giống với Hà Nội ngày xưa. Hà Nội khi xưa là
Hà Nội băm sáu phố phường, tức là có 36 phố phường. Tuy nhiên đây chỉ là cách
gọi ước lệ, chỉ khu vực đô thị cổ, bên trong và quanh khu phố Cổ.
Tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam viết về các thức
quà xưa của Hà Nội, những nơi ăn chơi như kẹo mứt, cốm, chợ mát ban đêm,...
Thực ra, chị cảm thấy gọi Thạch Lam là “ông” thì có đôi phần không
chuẩn xác. Bởi Thạch Lam sinh năm 1910, qua đời năm 1942, vậy là bao nhiêu tuổi
nhỉ?”
Gia Bách buột miệng:
“32 ạ.”
Uyên Ý gật đầu.
“Trẻ, nhưng đã có tên tuổi trong làng văn thời bấy giờ. Tài không
đợi tuổi mà. Ông yêu Hà Nội tới mức viết một tác phẩm về Hà Nội mà không lấy
bối cảnh ở Hà Nội.”
Gia Bách nhíu mày.
“Viết về Hà Nội mà không lấy bối cảnh ở Hà Nội?”
“Yêu Hà Nội, cũng chỉ một phần thôi. Yêu con người thì nhiều hơn.
Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” được in trong tập “Nắng trong vườn” xuất bản năm
1938. Nghe cái tên tác phẩm đã cảm nhận được sự tinh tế của Thạch Lam rồi\, phải
không?
Gia đình Thạch Lam bươn chải rất vất vả. Bố mất sớm, mình mẹ nuôi
bảy đứa con. Thuở nhỏ ông từng sống ở phố huyện Cẩm Giàng, sau đó mẹ thuê nhà ở
Hà Nội, thế là ông lúc sống ở Cẩm Giàng, lúc lại lên Hà Nội.
Nhiều năm sau, Thạch Lam viết một câu chuyện về hai đứa trẻ Hà
Nội, Liên và An, chuyển về sống tại một phố huyện nghèo. Cùng với hai đứa trẻ
là các thân phận khác nhau tại phố huyện nhưng có một điểm chung là đều bị cái
đói khổ dày xéo, dần mất đi hình hài và lý trí. Thạch Lam là một người mẫn cảm
và tinh tế. Chỉ từng cái thay đổi của ánh sáng, mùi chợ búa trong không khí cho
tới tiếng muỗi vo ve đều được điểm xuyết thông minh trong từng dòng chữ. Phố
huyện nghèo hiện ra chân thực, như có thể ngửi, chạm, thấy được tận mắt. Đừng
nghe chị kể mà thấy hay. Văn của Thạch Lam, không phải ai cũng thích.”
Gia Bách hơi nghiêng người về phía Uyên Ý. Động tác vô thức này
thể hiện sự hứng thú của cậu với đề tài cô đang nói.
“Tại sao ạ?”
“Cậu có bạn gái chưa?”
“Dạ?”
Gia Bách nghĩ mình nghe nhầm. Uyên Ý nói.
“Nếu đã có bạn gái, hay đôi khi cậu để ý tới cuộc hội thoại của
các cô gái cũng được. Cậu sẽ nhận ra cuộc nói chuyện của họ phong phú, sống
động, đồng thời cũng mông lung, không có chủ đề cố định. Giây trước vừa nói về
một bộ váy xinh, giây sau đã chuyển sang chị X cắm sừng anh Y hay lạm phát ở
Venezuela. Văn của Thạch Lam có vài đặc điểm tương đồng, đó chính là không có
nội dung. Truyện không có cốt truyện. Đơn thuần là kể, không có cao trào, không
kích thích. Những người tìm kiếm đỉnh cao bi kịch có thể tìm tới Nam Cao, xây
dựng tấn bi hài kịch là thế mạnh của Vũ Trọng Phụng, thể hiện cái ngông thông
thái là Nguyễn Tuân,...Còn với Thạch Lam, giống như tìm hiểu nội tâm của một
thiếu nữ, cần sự kiên trì, nhạy cảm để thấu hiểu.”
Từ lúc nào, ánh mắt hai người níu lấy nhau không dứt. Gia Bách vội
quay mặt đi. Cậu đã quá phấn khích rồi.
Gia Bách bất chợt nhận ra từ nói chuyện phiếm, Uyên Ý đã chuyển
sang giảng bài từ lúc nào không hay. Lần đầu tiên cậu nghe văn và sử mà không
chán nản. Nhìn đồng hồ, đã một tiếng trôi qua rồi, vậy mà cậu ngồi im mà nghe,
không ngọ nguậy nửa phân chứ đừng nói là ngủ gục.
Uyên Ý có chất giọng truyền cảm tự nhiên, không cần cố ý diễn. Văn
chương từ miệng cô thoát ra, từng chữ như một nốt nhạc. Câu thơ nối nhau như
bản giao hưởng, réo rắt vào lòng cậu. Trước khi cậu kịp nhận ra, Gia Bách thuộc
lòng tự khi nào, thậm chí khi đọc lại cũng theo đúng giọng điệu ấy. Cậu không
khỏi ngại ngùng, con trai lại đọc như vậy.
Cậu hỏi bừa một câu cho bớt ngượng.
“Em thấy nhân vật chính trong “Hai đứa trẻ” khá giống chị. Cũng
chuyển từ thủ đô náo nhiệt xuống một vùng quê nghèo. Thế chị có giống Liên và
An, cảm thấy u buồn khi sống ở Phước Ninh không?”
Vừa dứt lời, Gia Bách đã muốn tự vả vào miệng mình. Cậu vừa thốt
ra cái quái gì vậy?
Uyên Ý hiển nhiên cũng bất ngờ trước câu hỏi thẳng thắn của cậu.
Nhưng cô lấy lại bình tĩnh khá nhanh.
Cô chậm rãi, nói từng từ.
“Chị cảm thấy...Phước Ninh, rất phù hợp.”
Không phải thích, ghét, bình thường mà là phù hợp. Ý của cô, Gia
Bách không hiểu lắm.
Đầu óc cậu trở nên mông lung. Có phải giống như Uyên Ý vừa nói,
muốn hiểu được tâm tư của thiếu nữ, cậu phải kiên trì và đủ nhạy cảm?
Nhưng đối với Uyên Ý, Gia Bách cảm nhận rằng chừng đó thôi là chưa
đủ để thấu được tâm tư của cô.
Updated 33 Episodes
Comments