Khó nhọc mở mắt, ánh sáng ban ngày ùa vào khiến cậu phải che mắt.
Gia Bách bị đánh thức bởi tiếng nói chuyện ầm ĩ của mấy người phụ nữ.
“Cái lão Đán đấy chỉ giỏi bám váy vợ thôi. Hở ra làm trộm gà đem
bán để đi đánh bạc. Còn lạ gì nữa.”
“Bài bạc thì chỉ có chết mới hết tật. Tự dưng làm khổ vợ khổ con.”
“Bao giờ dập được cái ổ bài bạc đấy may ra mới hết được. Mà chồng
bà Túc là công an đấy, sao không đi bắt hết bọn nó đi.”
Gia Bách uế oải chớp mắt. Hàng mi dính chặt vào nhau, cậu phải
nhích mi mấy lần mới thích ứng được với ánh sáng. Ánh nắng vàng mượt rọi qua ô
cửa chớp bám bụi và mạng nhện. Đã sáng rồi sao?
Cậu đau đầu với tiếng tám chuyện của mẹ mà tỉnh giấc. Bà Túc bán
hàng tại nhà. Mấy bà cô trong làng tới mua đồ, rảnh rỗi thường tới buôn chuyện
với mẹ cậu. Gia Bách khẳng định rằng nếu mẹ cậu sinh ra vào thời chiến, bà chắc
chắn là một nhân viên tình báo đại tài. Với điều kiện bà có thể giữ bí mật.
Dường như mọi thông tin trong cái xã này đều tập trung ở cái hàng đậu phụ nhà
cậu. Nhà ai nấu nhiều hơn một bơ gạo bà cũng biết. Cứ từ giờ họp chợ tới chiều
tối nhà cậu sẽ ồn ào thế này. Bố con cậu đi cả ngày, mẹ ở nhà một mình cũng cô
đơn nên kệ bà thích làm gì thì làm. Bình thường giờ này cậu ở trường, nay nghỉ
hè, sự tình không thể tránh.
Gia Bách nhìn xuống chân, cái bàn xếp còn chưa gấp lại, đặt ngang
người cậu, sách sử đang mở ra. Cậu lại ngủ gật trong lúc đọc sách rồi. Gia Bách
không khỏi chán nản, vò đầu bứt tai, lăn lộn trên đệm. Mấy bà tám dưới nhà hót
như sáo. Gia Bách nhăn nhó bịt tai, trùm gối lên đầu.
Đột nhiên mấy bà cô im bặt, không nói gì, còn giọng mẹ cậu cao
vút.
“Ôi, cháu về rồi đấy à? Con gái thành phố có khác, càng ngày càng
đẹp.”
Nhưng cậu lại không nghe thấy đối phương đáp lại. Mẹ cậu lại nói
tiếp.
“Mua đậu hả cháu? Mấy bìa? Ba hả? Ừ, phải rồi, nhà ít người nên
mua ít thôi nhỉ.”
Gia Bách lật cái gối đang bịt tai ra, hơi nhổm dậy nghe ngóng. Cậu
cảm giác bà Túc như đang nói chuyện một mình. Nhưng dựa vào hai câu nói vừa rồi
của mẹ, cậu biết được không phải bà đang độc thoại mà là người kia đáp nhỏ nên
từ trong nhà cậu không thể nghe thấy. Cũng tốt, bớt đau đầu. Gia Bách nằm sấp
xuống đệm, cố gắng ngủ tiếp. Tiếng mẹ cậu lại vang lên.
“Cháu có mua dưa cà nữa không? Dưa cô muối hôm nay là vừa ăn đấy.”
...
“Cháu về nghỉ hè đúng không? Bây giờ cháu học năm mấy rồi? À, năm
ba à. Cháu học trường gì?”
Vẫn ầm ầm, những dễ chịu hơn một chút. Đang lơ mơ ngủ lại, bỗng
giọng mẹ cậu nâng lên mấy tông. Gia Bách giật mình.
“Ôi, cháu học sư phạm á! A, cháu ở nhà tới bao giờ? Được nghỉ hè
bao lâu? Có gia sư cho thằng Bách nhà cô được không?”
Nghe thấy tên mình, Gia Bách ngồi bật dậy.
Bà Túc như gặp cao nhân, không ngớt miệng thuyết phục.
“Ôi, cháu không biết bác khổ thế nào đâu. Thằng Bách nhà bác toán
tiếc các thứ còn chấp nhận được, nhưng mà văn sử địa cực dốt, suýt đúp cháu ạ.
Cô giáo chủ nhiệm còn phải gọi điện cho bác để cảnh báo. Nó không học nổi cháu
ơi. Trường học với giáo viên thì bị cấm tổ chức dạy thêm. Ở đây cũng chẳng có
đứa nào kha khá để kèm thằng Bách. Bác chẳng biết phải làm thế nào. Cháu học sư
phạm, hay là giúp bác đi. Tranh thủ kèm cặp nó mấy môn văn, sử, địa trong dịp
hè này thôi. Văn, nhất là môn văn cháu ạ.”
Ắt hẳn đối phương ra điều từ chối, bà mở giọng tâm tình.
“Bác cũng biết là cháu cũng bận rộn chuyện của cháu, nhưng mà, có
hai tháng hè thôi cháu. Cháu cũng không phải ngày nào cũng tới, không phải ốp
nó cả ngày đâu. Một tuần dạy mấy buổi là được rồi. Mà bác nói nhỏ này, cháu đi
quanh năm suốt tháng, để bố ở một mình trong cái nhà to đùng ấy. Họ hàng xa
không bằng láng giềng gần. Các bác ở đây có thể để ý bố cháu một tí, lỡ như sau
này có việc gì lại hối hận.”
Mẹ đang nhờ vả hay đe dọa người ta đây?
Gia Bách chậm chạp nhớ xem có ông lão nào sống một mình ở cái làng
này.
“Ối, cháu đồng ý, đồng ý rồi đấy nhé.”
Gia Bách tròn mắt, người kia nhận lời rồi sao? Rốt cuộc là ai vậy?
“Này, cầm lấy dưa muối này. Thôi, không phải trả tiền, cô gửi hai
bố con. Rồi, đã bảo không phải trả tiền mà.”
...
“Cháu đi thong thả nhé.”
Xong rồi? Gia Bách không thể ngồi yên được nữa. Cậu phải xuống
xem. Còn chưa lọ mọ bò ra khỏi đệm, bà Túc nhanh nhẹn chạy vụt vào nhà, dẫm lên
cầu thang gỗ cọt kẹt, thò mặt lên gác xép, hớn hở cười với Gia Bách.
“Bách, đánh răng rửa mặt ăn sáng, xong lên ôn bài cho mẹ. Tối nay
gia sư tới dạy.”
“Mẹ, mẹ nhờ ai vậy? Có phải con gái bác Bình không? Chị ấy dạy con
không hiểu đâu.”
Bà xua tay.
“Không phải. Đừng nói tới cái con bé mặt rỗ ấy nữa. Nghĩ tới một
năm dạy dỗ vô ích của nó là mẹ lại bực mình.”
Cậu mím môi, trong đầu không lục ra được hình ảnh ai khác, bèn
hỏi:
“Rốt cuộc là ai ạ?”
Bà Túc hếch mặt lên như nói về một điều đáng tự hào.
“Tiểu thư đài các, Vương Uyên Ý.”
Đây chắc chắc là khoảng khắc kinh sợ nhất trong ngày của Gia Bách,
cậu bất giác thốt lên:
“Chị Uyên Ý?”
“Ừ, nó bảo đang học năm ba Đại học Sư phạm. Tốn bao nhiêu nước bọt
mới mời được đấy. Mà con ôn lại bài đi, học cho tử tế vào, đừng để tối nay
người ta tới hỏi cái gì cũng không biết, xấu mặt bố mẹ ra.”
Gia Bách bắt đầu cân nhắc.
“Chị ấy học sư phạm, nhưng khoa nào? Chắc gì đã là mấy khoa sư
phạm văn, sử, địa. Lỡ là ngoại ngữ hay gì đó thì sao?”
Mẹ cậu xùy một tiếng.
“Thì bố nó là nhà thơ, chỉ nhiêu đó cũng đủ hơn con một cái đầu
rồi. Nghe nói con bé cũng giỏi giang lắm. Đến con gái nhà thơ nổi tiếng còn dạy
không nổi thì con lấy đầu mà trồng hoa đi.”
Ngụ ý rằng cậu đầu đất. Mới nói chuyện với con gái nhà thơ có vài
câu mà bà mẹ nông dân của cậu đã biết dùng biện pháp ẩn dụ rồi.
“Tóm lại là mẹ đã mời cả tiên nữ, không đúng, mời cả Bồ tát cho
con rồi. Hết nước hết cái, liệu mà học hành cho tốt.”
Bà Túc chốt lại một câu rồi xuống nhà.
Gia Bách ngơ cả ra. Cậu nhớ lại bóng dáng Uyên Ý mặc áo dài đỏ
thêu hoa văn Phượng ổ, cười với cậu vào sáng ngày mùng Một. Nụ cười mỉm duyên
dáng nhưng lại xa cách, giống như cố ý chăng bức màn kết giới, không cho ai lại
gần.
Có lẽ sau cuộc gặp mặt ngắn vừa rồi người mẹ đơn thuần của cậu
cũng lờ mờ nhận ra điều này. Bà thấy bản thân chính là người trần mắt thịt, còn
Uyên Ý phong thái người trời. Cô đã nhận lời mà bà vẫn bất giác cảm thấy khó
chịu với cô, dù trước mặt vẫn tỏ ra đon đả.
Gia Bách ngẫm lại, nói Uyên Ý là nữ bồ tát thật phù hợp.
Cúi đầu nhìn ba cuốn sách giáo khoa mới tinh, lòng thầm ngao ngán.
Đây không phải lần đầu Gia Bách hay mẹ cậu tìm cách cải thiện vấn đề này. Tự
học, thuê gia sư, học thêm. Giáo viên dạy giỏi nhiều năm kinh nhiệm còn hận
không thể bổ đầu cậu ra nhét chữ vào. Uyên Ý tới dạy kèm, Gia Bách cũng không
kỳ vọng nhiều. Nhưng dẫu sao cô cũng là một nhân vật xuất chúng đầy bí ẩn trong
mắt quần chúng, tất cả tò mò về cô. Cậu cũng không phải ngoại lệ.
Gia Bách băn khoăn tự hỏi
bồ tát Uyên Ý sẽ dùng phép gì để đánh cậu hiện nguyên hình đây.
Updated 33 Episodes
Comments