Tiếng gót giày của Uyên Ý gõ nhẹ lên sàn đá. Lanh lảnh, khẽ khàng,
đều đặn.
Cô chắp hai tay sau lưng, từ tốn đi dọc hành lang khách sạn.
Gia Bách đứng cạnh cửa sổ cuối hành lang tầng 2, cạnh nhà vệ sinh.
Trong lúc pháo hoa nổ thì phát hiện ra có người rơi từ trên xuống.
Uyên Ý trầm mặc. Cô biết đây không phải một tai nạn hay ngộ sát.
Mà là một vụ sát hại được lập kế hoạch từ trước. Bởi hung thủ chọn đúng khoảng
thời gian bắn pháo hoa để ra tay, tiếng pháo nổ lớn, người ở quanh khách sạn
rất đông nhưng họ sẽ không thể nghe thấy tiếng kêu cứu hay ẩu đả. Còn nữa, mọi
người sẽ tập trung ngắm pháo hoa, không ai quan tâm nhìn ngang dọc nơi
khác.
Theo lập luận này, khả năng cao là hung thủ chọn hướng ngược lại
với vị trí bắn pháo hoa để tránh có người phát hiện. Ví dụ, hôm nay pháo hoa
bắn ở trời tây thì hung thủ sẽ hẹn nạn nhân ra hướng đông. Uyên Ý khẳng định
mạch tư duy này là chính xác, bởi ở vị trí Gia Bách phát hiện ra thi thể rơi,
đó là góc chéo, không thể quan sát toàn bộ pháo hoa từ bên đó. Lúc 9 giờ, cậu
cũng chỉ nghe thấy tiếng pháo, ánh sáng phát ra từ pháo và một phần nhỏ của
pháo hoa mà thôi.
Uyên Ý càng khẳng định thêm hung thủ đã có kế hoạch trơn tru từ
trước.
Cô quan sát thang máy và thang bộ của khách sạn.
Khách sạn có 5 tầng, nhưng thang máy chỉ lên tới tầng 4, bởi tầng
5 là sân thượng, chỉ đặt bể nước và máy móc nên không cho khách lên. Nhân viên
khách sạn muốn lên sân thượng thì đi thang máy lên tầng 4 rồi đi thang bộ lên
tầng thượng. Thang máy và thang bộ có camera theo dõi, nhưng thang thoát hiểm
thì không. Nói cách khác, camera an ninh của khách sạn trong trường hợp này
hoàn toàn vô dụng. Hung thủ có thể là bất cứ ai, tới và đi ở bất kỳ thời điểm
nào.
Trong tiềm thức của mọi người, dù vụ án chưa rõ mô tê thế nào, tất
cả đều mặc định rằng hiện trường là tầng thượng. Bởi nó tối tăm, không đèn đóm,
không camera, không người. Nếu muốn gây án, sân thượng của khách sạn là nơi
thích hợp nhất.
Nhưng chưa chắc.
Uyên Ý đi bộ lên từng tầng khách sạn. Mỗi tầng, cô đi về phía nhà
vệ sinh nam, nhìn ra ô cửa sổ nhỏ cuối hành lang giống như Gia Bách từng làm
rồi nhìn xuống. Trên nền đất đen, dải băng dính trắng đánh dấu vị trí thi thể
tương phản đến chói mắt. Ô cửa sổ dẹt kích cỡ 50x80, cách mặt đất 1 mét. Ông
Lăng bụng phệ, người nặng nề. Nhưng với diện tích cửa sổ này thì vẫn lọt.
Uyên Ý nhớ tới người có hiềm khích với ông Lăng mà cô Trinh nhắc
đến, đó là hội trưởng và Tú. Tú từ sau khi tan tiệc mặn đã biến mất cùng ông
Lăng, giờ vẫn chưa thấy bóng dáng. Rõ ràng là khả nghi nhất. Còn hội trưởng tuy
còn sức nhưng đã ngoài 60, ông Lăng khệ nệ thế, hội trưởng có đẩy ông ta qua ô
cửa sổ được không?
Giả sử hiện trường vụ án thực sự không phải là sân thượng mà ở một
trong các tầng lầu ở đây. Vẫn biết là tất cả đang tập trung ở sân sau, nhưng
nhân viên khách sạn, hay ai đó vô tình đi qua đều có thể phát hiện ra. Nguy cơ
cao như vậy, hung thủ sẽ không liều lĩnh.
Cô đi về phía cầu thang thoát hiểm, đang tính đi lên sân thượng
thì có người gọi giật lại.
“Này cô kia!”
Một anh cảnh sát vẻ mặt nghiêm túc rảo bước về phía cô. Nhìn chiếc
váy sang trọng trên người Uyên Ý, anh ta liền đoán cô là người tới dự tiệc chứ
không phải khách thuê phòng.
“Có phải cô là khách mời của buổi tiệc hội nghệ sĩ trẻ?”
“Vâng.”
“Cô định đi đâu?”
“Tôi cần dùng nhà vệ sinh nhưng các nhà vệ sinh đều bị phong tỏa
lại để kiểm tra. Thế là tôi cứ đi lên tiếp để tìm.”
Anh ta nhíu mày.
“Trên đó là sân thượng. Nơi bị nghi ngờ là hiện trường vụ án. Giờ
đã kiểm tra xong rồi nhưng cô cũng không được lên đâu.”
“Vậy sao? Tôi không biết. Xin lỗi.”
“Cô nên xuống phòng tiệc tầng 1 ngay đi.”
Uyên Ý gật đầu, thản nhiên đi thang máy xuống tầng 1.
Cô phát hiện ra hơn nửa khách đã được phép rời đi, đám người còn
lại lục tục ra về. Một viên cảnh sát đi về phía cô, hỏi:
“Cô là Vương Uyên Ý?”
“Chính tôi.”
Thì ra cảnh sát cũng đã cho Tú vào danh sách nghi phạm vì giữa họ
có thù hằn cá nhân. Họ biết được rằng ông Lăng và Tú có xảy ra xung đột trong
buổi tiệc, vì thế tất cả những người có mặt tại bàn tiệc đó sẽ được hỏi vài câu
về tình tiết sự việc khi đó. Để hỗ trợ cho việc điều tra.
Uyên Ý vui lòng nhận lời. Sau khi cảnh sát hỏi xong, cô viết tường
trình rồi đi ra sảnh chờ Gia Bách.
Lúc này, Gia Bách mặt sầm sì đi ra khỏi phòng. Trong lúc viết
tường trình, tay cầm bút của cậu cứ run lên, nét chữ xiêu vẹo nói lên sự hoảng
loạn trong lòng cậu. Gia Bách cúi gằm mặt mà đi, cậu đâm sầm vào một người.
Xấp giấy A4 bay tứ tung. Gia Bách hơi lùi ra phía sau, viên cảnh
sát nhỏ người hơn cậu, bị va vào mà đánh rơi tập giấy trong tay.
Gia Bách hấp tấp xin lỗi, cúi người nhặt giấy giúp anh cảnh sát.
Vội vơ một đống giấy kín chữ, đột nhiên cậu dừng lại trước một
dòng chữ nắn nót ‘Vương Uyên Ý’.
Cô cũng phải viết tường trình sao?
Cậu không kịp đọc những gì cô viết, chỉ lướt qua tên và năm sinh
của cô. Gia Bách có thể chậm chạp trong giao tiếp xã hội, nhưng tính toán thì
không. Theo như năm sinh Uyên Ý viết trên tờ khai, cô hơn cậu 6 tuổi. Uyên Ý
năm nay 22 tuổi, Gia Bách 16. Nhưng rõ rằng ở trường cấp 3 Phước Ninh, cô học
trước cậu 4 khóa, cũng chính 4 năm trước Uyên Ý chuyển tới xã nghèo này
để học lớp 11. Vậy thì cô chỉ hơn cậu 4 tuổi thôi chứ? Mẹ cậu cũng nói rằng
Uyên Ý hiện học năm 3 Đại học Sư phạm.
Tại sao ở đây lại viết rằng Uyên Ý lớn hơn Gia Bách 6 tuổi? Giấy
trắng mực đen, không thể nhầm được. Chẳng lẽ cô đi học muộn 2 năm?
Đám người ở đây đều ca tụng Uyên Ý khi nhỏ là thần đồng. Thần đồng
không học sớm, nhảy lớp thì thôi, tại sao lại đi học muộn? Thậm chí còn muộn
tới 2 năm.
Gia Bách như lạc trong màn sương dày.
Tới sảnh, cậu thấy Uyên Ý đang ngồi chờ ở bộ sofa trước quầy lễ
tân. Mọi người đã giải tán gần hết, Uyên Ý ngồi một mình. Gia Bách đi từ phía
sau nên Uyên Ý không nhìn thấy cậu. Đang chuẩn bị cất tiếng gọi thì Uyên Ý mở
điện thoại di động, bấm số gọi cho ai đó. Người ở đầu dây bên kia bắt máy rất
nhanh. Không giống như bình thường phải có lời chào hay đặt vấn đề, Uyên Ý chỉ
nói đúng bốn chữ:
“Chuông cửa đang reo.”
Rồi dập máy. Nhanh như cắt. Không chào, không tạm biệt, không đề
cập tới bất cứ câu chuyện. Chỉ một câu duy nhất, không chữ nào ăn khớp với hoàn
cảnh hiện tại.
Chuông cửa đang reo?
Cứ như phát hiện ra luồng sóng từ ánh mắt chăm chú của cậu, Uyên Ý
xoay đầu lại.
“Gia Bách, cậu viết tường trình xong rồi sao?”
Gia Bách thoáng giật mình.
“Dạ...Chú cảnh sát nói em có thể về.”
“Cậu gọi điện cho cô chú, nói là...sẽ về trễ chưa?”
“Em vừa gọi. Chị đã gọi cho ông Khiêm chưa ạ?”
Uyên Ý gật đầu, vẻ mặt bất đắc dĩ. Cô chẳng thể nói gì hơn. Đưa
Gia Bách dự tiệc mà xui xẻo làm nhân chứng cho một vụ án mạng.
Đầu Gia Bách đương nghĩ tới vô vàn thứ, trong đó có cả nghi vấn về
Uyên Ý nên cậu không nói gì thêm.
Ngồi ô tô trở về nhà, họ lặng yên hơn cả khi đi.
Updated 33 Episodes
Comments