Mẹ Tạ không nhanh không chậm bước qua bậc thềm cửa của một hiệu sách, mang theo nét nhẹ nhàng nhưng cũng đầy uyển chuyển và thanh thoát của một người từng trải. Không gian chẳng tính là rộng lớn bên trong khiến bà thoáng khựng lại, ánh mắt liếc nhìn ngang dọc, âm thầm đánh giá từng chi tiết xung quanh.
Hóa ra đây là nơi mà đứa nhỏ ấy thường lui tới à?
Hiệu sách nằm trong góc khuất của một con phố cũ kỹ phía ngoại thành, lẳng lặng nép mình ở nơi đấy hệt như một viên ngọc chậm rãi bị loài người lãng quên. Những giá sách gỗ sẫm màu xếp thành từng hàng ngay ngắn, mỗi chiếc kệ mang trên mình hơi thở của thời gian, in hằn trên đó là các vết xước nhỏ li ti cùng màu đã phai nhạt dần theo năm tháng, tạo nên một nét cổ kính cực kỳ riêng biệt.
Mấy tia sáng yếu ớt lén lút len lỏi qua khung cửa sổ làm bằng kính mờ, chiếu lên nền gạch hoa cũ với những họa tiết đã trở nên mờ nhạt. Từng chi tiết trong chốn này dường như đều muốn kể lại câu chuyện của chính nó, một câu chuyện chứa đầy những ký ức và dấu ấn của thời gian. Đặc biệt, trên quầy lễ tân đơn sơ còn đặt một chiếc đồng hồ cổ nhỏ, kim giờ và kim phút cứ chậm rãi nhích từng chút, tạo nên thứ âm thanh tách tách đều đặn.
Không gian tĩnh lặng hệt như một thế giới đã bị tách biệt, nơi mà khoảnh khắc chỉ còn có thể ngừng lại để nhường chỗ cho sự tĩnh mịch và bình yên.
Dọc theo lối đi giữa các kệ sách, những tấm thảm mỏng cũng đã bắt đầu sờn vải và bạc màu, nhưng dẫu vậy thì vẫn mang lại cảm giác mềm mại khi đặt chân lên nó. Trên vài kệ sách, có những hộp nhỏ làm bằng thiếc được để ngay ngắn, bên trong chứa hàng ngàn tấm bưu thiếp cũ cùng bản đồ giấy đã mất dần đi màu sắc, song vẫn đem lại biết bao là hoài niệm. Vô số ký ức mờ nhạt về một thời đại đã qua dường như thấm đẫm vào từng góc nhỏ của hiệu sách, khiến người ta không khỏi tưởng tượng và tò mò về những chủ nhân cũ của các món đồ nơi đây.
Mẹ Tạ khẽ gật đầu một cách hài lòng, ánh mắt cũng dịu dàng hơn hẳn. Dù nơi này chẳng thể so bì với những chốn xa hoa trong thành phố sầm uất, nhưng nó lại có sức hút rất là khác biệt, tựa như một dòng suối nhỏ len qua cánh đồng, dẫu lặng lẽ nhưng lại cực kỳ sâu sắc.
Bà bước từng bước đi lòng vòng giữa những giá sách, trông thì có vẻ như đang tìm kiếm một cuốn sách yêu thích, song thực chất ánh mắt bà vẫn luôn dõi theo một bóng dáng khác đang ngồi cách đó không xa.
Người mà mẹ Tạ kín đáo quan sát chính là vị khách duy nhất xuất hiện ở nơi này ngoài bà. Đó là một chàng trai trẻ tuổi chẳng hề thích hợp với không gian chốn đây. Dáng vẻ cậu ta kỳ thật trông rất ngoan ngoãn khi mang trên mình một gương mặt thanh tú đầy nét thư sinh. Mái tóc đen mềm mượt được cắt tỉa gọn gàng, vài sợi lòa xòa trước trán nhưng vẫn không thể che lấp được đôi mắt sáng trong hệt như mặt nước hồ phẳng lặng phản chiếu ánh trăng.
Cậu mặc một chiếc áo dài tay đơn giản, vải mỏng nhẹ mát mẻ nhưng lại khéo léo che đi làn da trắng ngần. Cổ tay áo được may thoải mái vừa phải, phủ kín cổ tay gầy gò mảnh mai. Những ngón tay thon dài nhẹ nhàng lật từng trang sách như sợ làm tổn thương nó, biểu lộ sự tập trung cao độ khó mà có ai làm được. Toàn thân cậu toát ra một sự vô hại đến khó tin, trông chẳng khác gì một chú mèo nhỏ đang cuộn tròn trong góc phòng, mềm yếu mà cũng rất đáng yêu.
Càng nhìn, trong lòng mẹ Tạ càng dâng lên một cảm giác khó tả, vừa như ngạc nhiên, vừa như thỏa mãn. Bà khẽ nâng tay, ưu nhã chạm vào gáy của một cuốn sách nào đó trên kệ, rồi tùy ý rút ra một cuốn bất kỳ. Sau khi lật nhẹ vài trang, bà bất giác bật thốt lên một câu: "Không ngờ là giới trẻ bây giờ cũng còn người tìm đọc sách cổ giống như cháu đấy."
Lâm Cảnh Thụy nghe vậy liền theo bản năng ngẩng đầu lên. Ngay lập tức, ánh mắt em chạm phải đôi mắt chứa đầy ý cười dịu dàng của mẹ Tạ. Một thoáng kinh ngạc lướt qua gương mặt khiến Cảnh Thụy phải chớp chớp mắt, rồi lại mau chóng nhìn quanh mấy lượt như để xác nhận rằng người phụ nữ ấy thực sự đang muốn trò chuyện với mình.
Thế nhưng em không cách nào đáp lại bà được.
Lâm Cảnh Thụy vốn bị câm từ nhỏ, song không phải do bẩm sinh mà là vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính điều đó đã khiến em mang trong mình một nỗi mặc cảm kéo dài suốt bao năm.
Em vẫn nhớ rất rõ khoảnh khắc đầu tiên nhận ra mình chẳng thể nói chuyện giống như những đứa trẻ khác nữa. Thời điểm ấy, Cảnh Thụy cũng chỉ là một đứa trẻ nhỏ bé, ngơ ngác và chưa đủ hiểu tương lai sắp tới em phải đối mặt sẽ đáng sợ thế nào. Bởi ban đầu, em luôn nghĩ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, giọng nói rất nhanh sẽ trở lại sau vài ngày, hoặc vài tuần, y như những lần bị bệnh trước đó. Nhưng khi từng tháng trôi qua, cảm giác bất lực cùng sợ hãi dần xâm chiếm tâm trí em khi mà không có âm thanh nào em phát ra nổi.
Mỗi lần mở miệng để cố gắng nói chuyện, em lại tiếp tục rơi vào một vòng xoáy mới của sự tuyệt vọng. Cái nhìn thương hại từ người lớn, tiếng cười giễu cợt từ những đứa trẻ cùng trang lứa, tất cả như những nhát dao vô hình khắc sâu vào tâm hồn non nớt nhưng đầy yếu ớt của em.
Lâm Cảnh Thụy không thể nào quên những lần bị trêu chọc, những biệt danh xấu xí như "đồ câm điếc" hay "đồ kỳ quặc" mà đám bạn chẳng ngần ngại gán cho em. Thậm chí, nhiều khi em còn bị tách ra khỏi các trò chơi tập thể, như thể sự hiện diện của em là một gánh nặng cho tất cả bọn họ. Vô số tiếng cười rúc rích sau lưng, vô số những ánh mắt đầy phán xét, và cả vô số lần bị cô lập đã dần tạo nên hàng ngàn hàng vạn vết sẹo vô hình trong lòng em.
Thế nhưng, Cảnh Thụy chưa bao giờ từ bỏ, và em cũng không dám từ bỏ. Dù em không nói được, nhưng em vẫn cố gắng học cách biểu đạt bản thân qua chữ viết, qua ánh mắt, qua những hành động nhỏ bé mà em tin rằng có thể truyền tải cảm xúc cùng suy nghĩ của mình. Dẫu vậy, nỗi cô đơn lại là người bạn đồng hành duy nhất chẳng thể xua đi, tựa một chiếc bóng lặng lẽ bám theo em suốt quãng đường trưởng thành.
Cảnh Thụy ngước nhìn mẹ Tạ, cảm thấy vừa có chút hiếu kỳ vừa có chút bối rối. Trong lòng em, một cảm giác khó diễn tả thành lời bỗng dưng trỗi dậy, hệt như một làn sóng mạnh mẽ vỗ mạnh vào tâm hồn, khiến trái tim em cứ không ngừng loạn nhịp. Đó là sự do dự xen lẫn với nỗi sợ bị đánh giá, bởi em không muốn mình để lại ấn tượng xấu với một người vừa gặp chưa được nửa tiếng đồng hồ.
Em ái ngại gấp lại cuốn sách dày cộp trên tay, nhẹ nhàng đặt nó trở lại trên mặt bàn, rồi nhanh chóng rút điện thoại từ túi ra. Đôi tay em thoăn thoắt lướt trên màn hình, những ngón tay như đang cố gắng che giấu sự lúng túng không thể cất thành lời.
Mẹ Tạ im lặng nhìn động tác của em, rất dễ dàng đoán ra được phần nào câu chuyện. Song bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời từ cậu trai trẻ, không thấy chút tò mò hay phán xét nào ở trong đôi mắt tuyệt đẹp kia.
Cuối cùng, Lâm Cảnh Thụy mạnh dạn đưa điện thoại cho bà, trên màn hình hiện lên một dòng chữ ngắn gọn: [Cháu rất xin lỗi ạ. Nhưng cháu không thể nói chuyện được.]
Dòng chữ tuy cực kỳ ngắn gọn cùng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao là cảm xúc. Nó không chỉ là một lời giải thích, mà còn là sự ngại ngùng và dè dặt mà Lâm Cảnh Thụy đã mang theo bên mình suốt bao năm qua. Em xấu hổ cúi thấp người, đôi tay cũng vô thức siết lấy điện thoại, như thể sợ rằng câu trả lời của mình sẽ khiến đối phương cảm thấy bản thân phiền phức.
Mẹ Tạ không nói gì ngay. Bà lặng lẽ đọc hết dòng chữ, rồi ngẩng đầu lên nhìn em. Ánh mắt bà không hề chứa đựng chút thương hại hay khó chịu nào, mà thay vào đó, nó dịu dàng hệt một cơn gió mùa xuân đang âm thầm xoa dịu những nỗi bất an trong lòng đứa nhỏ, như thể muốn vỗ về an ủi, từ từ khơi dậy những cảm xúc ấm áp mà lâu nay đã bị quên lãng.
“Không sao đâu, cháu không cần phải xin lỗi cô vì điều đó.” Mẹ Tạ chậm rãi lên tiếng, giọng nói mềm mại như một giai điệu du dương quen thuộc, “Chỉ cần cháu cảm thấy thoải mái là được, nên là đừng lo lắng nữa nhé.”
Lâm Cảnh Thụy không thể tin được mà ngước nhìn bà, ngập tràn trong đôi mắt ấy là những sửng sốt đến ngỡ ngàng. Từ nhỏ đến lớn, em đã quen với những ánh nhìn đầy phán xét hoặc sự thương hại giả tạo. Có người dù ngoài mặt miễn cưỡng tỏ ra tốt bụng, nhưng trong lòng lại thấy khó chịu khi phải giao tiếp với một người "đặc biệt" như em.
Nhưng ở người phụ nữ này thì lại khác. Ở bà chẳng thấy chút do dự hay ái ngại nào, kể cả giữa hai người còn không có nổi một cuộc nói chuyện hẳn hoi. Bà đối xử với em như một con người bình thường, không thêm bớt, không khác biệt.
Cảnh Thụy cảm nhận được trái tim mình như được an ủi một cách nhẹ nhàng nhưng cũng đầy tinh tế. Em vội vã cúi gằm xuống, khẩn trương mím môi để che giấu nỗi xúc động đang dâng lên trong lồng ngực. Một lần nữa, em gõ vài dòng trên điện thoại, gửi tới bà những lời chân thành hàm chứa sự biết ơn: [Cảm ơn cô ạ. Cháu cũng đã quen rồi, dẫu vậy đôi khi vẫn thấy hơi khó xử một chút.]
“Ai mà chẳng có lúc cảm thấy khó xử hả cháu." Mẹ Tạ mỉm cười khích lệ, "Nhưng cô nghĩ, những người khác rồi sẽ nhận ra cháu là một người rất tốt thôi. Chỉ cần cháu chịu cho họ cơ hội.”
Những lời nói ấy, dù nó giản dị tự nhiên vô cùng, song lại không khác nào một làn nước mát len lỏi vào từng ngóc ngách trong tâm hồn Lâm Cảnh Thụy. Vì dẫu cho em không ghét bỏ bản thân, cũng không phủ nhận sự khác biệt của mình, thì trong lòng vẫn luôn khao khát được đối xử như một người bình thường hơn bất kỳ ai.
Em nhanh chóng gõ thêm lần cuối cùng, đôi môi vô thức nở một nụ cười nhàn nhạt: [Cháu sẽ cố gắng. Cảm ơn cô rất nhiều ạ.]
...----------------...
Tác giả có lời muốn nói: Lo ham chơi nên lại tiếp tục ra chương chậm trễ rồi. Quả nhiên, có thể lười thì nên lười mà. Cảm giác nó tuyệt vời gì đâu á.
Updated 22 Episodes
Comments
꒰ঌ•𝓒𝔂𝓷𝓽𝓱𝓲𝓪 🪐໒꒱
Chài ui đứa nhỏ hả? Trong mắt cha mẹ con cái luôn bé bỏng v sao 😆
2025-01-13
2
Yến Nhi
ùi phải là đứa nhỏ nha, bả cute quá trời r. Đúng là con cái thì khi ở trước mắt ba mẹ vẫn mang hình hài thật nhỏ. Mẹ ổng quan tâm nhìu thứ dữ lun
2025-03-04
0
Louis
Thích không gian như này, bình lặng chỉ có một mình càng tốt. Không cần phải có ai cả, nhiều lúc stress chỉ muốn chìm đắm vào nó mãi thôi, không ồn ào, không một tiếng động, không có người. Cảm giác kì thực rất khó tả
2025-01-12
1