Đợt trong làng có một lão thầy hữu duyên gặp gỡ với bu Trúc được bu Trúc dẫn về đến tận nhà xem bói, xem đến mợ Tư thì lão vuốt râu phán:
-"Từ giờ đến cuối năm không sớm thì muộn sẽ có con."
Ôi dào, nghe thế mà bu Trúc mát lòng mát dạ mừng gớm, làm cả chục mâm cỗ đãi hết cái họ, còn không quên trấn an mợ :"Con cái là lộc trời ban mà, mợ nó cứ bình thương mà sống, đừng u uất nữa."
Than ôi, cả cái họ hôm đấy được dịp no bụng khỏi phải nấu cơm, còn đức ông chồng nhà mợ hôm nào cũng chắp cái tay sau lưng ngân nga:
-"Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai."
Phải đấy, chồng mợ cậu ấy đang nói khéo ông thầy đấy, cậu chẳng thèm tin dăm ba cái thứ vớ vẩn mê tín dị đoan đâu.
Đầu tháng mười, cậu Sang lên kinh thành đi buôn tiếp, chuyến này đi vỏn vẹn ba ngày đã về, ở nhà sổ sách đều giao cho mợ lo cả, ông bà bá cũng già rồi, giờ chỉ lo hưởng thụ thôi.
Đêm đó có trộm lẻn vào nhà, đám người ở chúng nó nháo nhào chạy đến báo cho ông bà bá với mợ, nào ngờ vừa mở toang cánh cửa phòng mợ ra thì thấy thằng trộm đang kề con dao mổ lợn trước cổ mợ, con Bưởi sợ quá hô hoán cho đám đàn ông trong nhà chạy đến cứu giúp.
Đêm đó là một đêm mất ngủ của nhà ông bá Cường, may thay, thằng Tí dũng cảm nhảy từ cửa sổ đằng sau lưng thằng trộm vào chưởng cho nó một chưởng lăn quay ra sàn nhà, thằng trộm hoảng không tự chủ được hành vi nên vô tình để con dao cứa vào cổ mợ Tư, máu chảy đầm đìa.
Tụi trong nhà hoảng loạn, con Bưởi thương mợ khóc bù lu bù loa, bu Trúc thì than giời than đất, mãi cho đến tờ mờ sáng vết thương trên cổ mợ mới được băng bó xong, thằng trộm bị giải vào nhà kho chờ cậu Sang về xử tội.
Lúc cởi bịt mặt ra thì mới biết đó là thằng Tỵ nhà ở cuối làng, nhà đã nghèo còn đẻ lắm con, đói lắm rồi, túng quá nó làm liều lẻn vào nhà ông bà bá trộm ít gạo về nấu cháo cho các em, nhưng nó mới hành nghề còn nghiệp dư, mới lẻn vào đã bị đám người làm phát hiện ngay. Bu Trúc chửi, chửi cả họ nhà nó nhất quyết không chịu tha còn mợ Tư thì khác, mợ thấy thương nó, dẫu sao cũng đều do hoàn cảnh cả, thôi thì tích thiện phùng thiện, mấy hôm tiếp theo mợ đều trốn ông bà bá mang ít cơm bỏ bụng cho nó, còn nhờ thằng Tí mang ít gạo qua nhà thằng Tỵ cứu đói.
Con Bưởi với thằng Tí thương mợ bất đắc dĩ mới chịu nghe theo, mợ chúng nó hiền quá, mà cũng tại hiền nên dễ bị mấy đứa ác leo lên đầu ngồi.
Hôm thứ ba cậu Sang về, hay tin mợ nhà bị nó cứa ngay cổ mà mắt long sòng sọng, không chịu báo quan mà sai người đánh cho thằng Tỵ một trận tơi tả, mợ Tư lại chạy ra can ngăn, mợ nói thằng Tí đã đánh nó rồi cậu còn đánh làm chi, cậu Sang lại bảo phần nó nó đánh phần cậu cậu đánh. Giằng co một hồi cậu nóng cậu quát:
-"Mợ đừng có thương người khác mà gầy rạc thân mình!"
Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê. Nhớ đến lời thầy dặn lại biết rõ ràng cậu giận thật, mợ Tư buông tay ra, lùi vài bước rồi trở vào gian chính, mặc thằng Tỵ mợ không cứu nó nữa.
Mợ thấy ghét cái tính mợ quá, thấy người khác bị gì là dễ mủi lòng quá đi, dù sao mợ cũng muốn làm phúc mà, đánh nó sau này nó ghi hận với cậu thì sao, nó từng kề dao ngay cổ mợ đó, nó mà làm gì với cậu mợ cũng sống chẳng nổi.
...Dẫu xây chín bậc phù đồ,...
...Không bằng làm phúc, cứu cho một người....
Thằng Tỵ bị cậu đánh cho bẹo hình bẹo dạng, lúc bị đuổi cổ ra thì nó đi xiêu vẹo rồi té xuống cái mương gần nhà, người qua kẻ lại chẳng ai thèm giúp, dân trong làng người ta còn thi nhau chỉ trỏ, đáng đời cái thói trộm cắp quen tay!
Tờ mờ sáng hôm sau, nhà ông bà bá lại loạn thêm một trận nữa, bỗng dưng đám lính lệ ở huyện đường phá cửa xông vào đòi giải cậu đi, chúng nó bảo cậu giết người rồi, thằng Tỵ ngày hôm qua bị đánh thừa sống thiếu chết bị đâm một nhát ngay bụng chết queo dưới mương rồi, có người bẩm báo lên quan huyện nên quan ông cử người đến giải cậu lên huyện đường.
Bu Trúc khóc hết nước mắt, chắc chắn là có nhầm lẫn gì ở đây, cậu Sang dù cho tính tình có dữ dội đến mấy cũng chưa bao giờ đi trêu đùa tính mạng của người khác cả, vì không có quyền chỉ có cái mác là cự phú nên ông bà bá coi quan như từ mẫu, ông bà bá chẳng biết làm gì ngoài việc cứ quỳ cứ lạy còn bọn chúng thì cứ giải cậu Sang đi.
Mợ Tư không khóc, thấy chân cậu Sang đi chân đất liền chạy thật nhanh vào nhà lấy đôi dép cho cậu mang. Dù mợ không khóc nhưng gương mặt của mợ bao trùm lên là sự u ất, đau đớn, chồng của mợ không phải là loại người ấy đâu. Bu Trúc khóc nhiều lăn ra xĩu tại chỗ, thầy Cường lo sốt vó sợ bà nhiễm khí lạnh nên ôm bà chạy vào nhà, riêng mợ Tư thì chạy theo cậu, mà sao cậu đi nhanh quá, mợ chạy theo không kịp nữa rồi.
Updated 21 Episodes
Comments