Chương 7: Trạng nguyên!

... Lá đào, lá liễu, lá đa...

...Ta đây không hám dăm ba cái trò....

...U ru ta ngủ ơi à,...

...  Thương u, ta quyết đỗ làm trạng nguyên....

Hôm ấy mây xanh, nắng ấm, cả làng Luân Văn ào hết ra đường cái. Ai ai cũng hò hét đến là lạ. Cậu cả Ngọc nhà ta trên đường đi chợ phụ mẹ thì bị dân làng chặn đường, anh ta lấy làm bực mình, cố chen lên bằng được. Ý muốn xem thử kẻ nào cả gan cản đường mình.

Ngó lên trước, đập vào mắt anh ta là vị Trạng nguyên trẻ vừa nhận bảng vàng. Trạng nguyên đầu tiên của Làng Luân Văn, con trai thứ ngài Đại tư xã, trên chữ là Lê Văn Phong, hay được mọi người gọi là anh thứ Phong, cậu hai Phong. Người gì mà trông khôi ngô, sáng dạ. Cái mũ trạng nguyên ấy dòm nặng mà lại sang. Anh Ngọc nhìn đến hoa cả mắt.

Dỏng tai ngóng được mấy vị phu nhân xôn xao, nghe nói cậu Phong ấy còn giỏi hơn con trai Thái phó Trần Khắc Võ gấp bội. Anh con trai Thái phó thi cùng đợt với cậu Phong nên mới phải ngậm ngùi nhận cái chức Bảng nhãn*(1).

Anh Ngọc nhà ta nghe đến là ham. Chờ đoàn diễu hành rước Trạng nguyên đi bớt, anh ta ba chân bốn cẳng chạy như chó rượt về nhà thưa mẹ. Vừa đi vừa hét, làm mấy con chó hàng xóm rú lên đông đổng, mà anh ta lại khoái chí lắm.

"U của con ơi! Con sẽ làm Trạng nguyên!!!"

Mẹ anh ta nghe vậy thì hốt hoảng. Chẳng biết tự đâu anh ta lại đòi vậy. Bà đặt cái xoong xuống bàn bếp, lau tay rồi lấy đồ từ chỗ anh.

"Khiếp thôi! Con làm gì mà la hét ầm ĩ hết cả lên? Muốn làm Trạng nguyên cũng được đấy. Thế có biết làm sao mới túm được cái chức ấy không."

Cậu Ngọc hồn nhiên đáp: "Đi thi ạ!"

Người mẹ xoa thái dương, ôn tồn phủi bụi bẩn trên áo anh ta.

"Muốn làm Trạng nguyên thì phải trải qua ba kì thi, con có biết Tam khôi(2) là gì không? Mỗi kì thi phải mất mấy năm mới mở lại. Tiền tài đổ vào nhiều không kể. Con phải có ý chí mới chinh phục được."

Cậu Ngọc ta nghe vậy mà không nản chí. Mẹ thiếu tiền? Anh ta tự kiếm. Cần thời gian? Anh ta đợi. Phải có ý chí? Anh ta rèn.

Khi con người ta đã quyết tâm làm gì, vài lời lí lẽ là thá gì ngăn được. Mục tiêu đặt ra để hoàn thành. Giữa đất trời, còn gì quý hơn nỗ lực của ta.

Từ hôm thấy đoàn rước Trạng nguyên về làng, cậu Ngọc ấy vậy nom điềm tĩnh hẳn ra. Phụ mẹ việc nhà xong xuôi thì chạy vạy việc vặt cho mấy đám đình trong làng.

Chả là, do nhà có đứa con trai phước phần, ông Đại tư xã tổ chức tiệc suốt mấy ngày ròng. Ấy thế là lòi ra cho cậu Ngọc mớ việc. Nắm lấy thời cơ, anh ta liền chạy đi xin một chân.

Ở đây anh ta để ý một cô tiểu thư rất tao nhã. Mày sắc, mắt kiếm, cô ấy cứ tiện bề đi qua là đám người làm rối rít bảo ban nhau. Cậu Ngọc cũng thích lắm. Người gì đâu mà trông đoan trang, nền nã, nhìn là biết con nhà gia giáo. Làm được mấy hôm, anh ta cũng mới biết tên cô ấy là Mai, con đầu lòng của ông Đại tư xã.

Hôm nọ, anh ta đang thau đống bình gốm cho bà vợ hai thì thấy dáng đào của cô Mai ấy đi đi lại lại ở nhà trong.

Đang bận rộn kì cọ, trời thì nóng nực, hanh khô, anh ta thiếu nước đập bể luôn mấy cái bình. Tính anh ta vốn thiếu kiên nhẫn vậy, nhưng khổ cái giống người làm, nhịn chữ nào lành chữ đó. Lại quay sang thấy cô tiểu thư, cậu Ngọc nén cái hèn, phô ra cái đàn ông của mình. Lưng anh ta tức khắc thẳng lên, bả vai hình như rộng ra vài đốt ngón tay.

Cô Mai thấy anh ta trông nhọc công quá, rủ tai con hầu mang cho anh ta bát nước mát. Đợi lúc tay anh Ngọc nhà ta ngưng nghỉ, cô tiểu thư bước từ nhà trong, ới á gọi ra.

"Đằng đó ơi? Lại đây nghỉ rồi uống miếng nước! Nay trời nắng quá, cẩn thận không lại say thì khổ cái thân."

Giọng cô ấy không lảnh lót như mấy cô con nhà quan mà cậu Ngọc hay gặp, mà nó nghe cứng cáp hơn nhiều. Tiếng ấy không quá ngọt ngào mà lại như lưỡi câu móc chắc trong tim anh. Chưa kịp say nắng thì anh ta đã say cô ấy đến nỗi quên luôn đáp lại.

Ôi vậy là cô ấy vừa bỏ bùa anh đây mà...

Cần gì gieo tương tư lả lơi vậy người ơi, với cái nét của cô, đứng im đấy thôi cũng làm anh vừa đi vừa đổ. Ấy lại mới bảo đàn bà con gái đứng cách một trượng vẫn làm người ta đau. Đau đây là đau ở tim...

Cậu Ngọc tu một mạch hết sạch bát nước. Chẳng biết có phải do mới say tình hay không mà uống nước lã thôi anh ta cũng thấy ngọt lịm như mía lùi. Làm anh thèm được thêm bát nữa.

Cô Mai nhìn anh, mắt ánh ý cười. Cô nói con hầu lấy thêm cho anh bát nữa. Trước khi đi còn dặn bỏ thêm mấy viên đường.

Thế thì ngọt chết mất thôi, người thương ơi!

Ngọt cái tình ta mới chớm. Ấy bậy, nào có 'ta' ở đây, chỉ có mình cậu Ngọc là ôm tương tư người ta thôi. Cô ấy có biết tình ý của anh hay không, đấy lại phải chờ anh ngỏ lời.

"Đằng đấy là học trò đấy phỏng? Nom dáng Nho sĩ lắm."

"Dạ, cô. Ba năm nữa là khoa thi mở, tôi đang kiếm chút tiền mọn, chuẩn bị thi."

Cô tiểu thư Mai kia cười. Cô ấy phất tay, đẩy bát nước con hầu vừa lấy sang chỗ anh ta.

"Anh cứ xưng hô thoải mái đi. Nhà này không câu nệ tiểu tiết."

Cứ mỗi lời nói, cử chỉ của cô tiểu thư, cậu Ngọc lại nghe thấy tiếng tim mình rơi lộp bộp. Cái thân dại gái đến là khổ...

Sau hôm ấy, đám đình nhà ông Đại tư xã cũng tàn. Con trai ông cũng theo đoàn xe ngựa lên kinh nhậm chức. Không biết chi tiết làm sao, nhưng người làng Luân Văn truyền tai nhau rằng cậu thứ ấy làm quan to trong triều.

Trái với cái vui của thiên hạ, ông Đại tư xã lại có vẻ hằm hằm không vui. Ôi cái chốn quan trường ấy có gì mà ham, chẳng phải ông chán trường cảnh triều chính nên mới cáo quan về đây làm cái chức Đại tư xã đấy thôi!

Làm quan trong triều nhọc công lắm chứ không phải chuyện đùa. Ông là quan võ, không vận óc nhiều còn thấy mệt thôi rồi, chứ đừng nói cái chức quan văn mà con trai ông sắp làm.

Nhưng thôi, ý muốn của con cái, ông không muốn can thiệp. Đời ai người nấy quyết, để người khác nhúng vào, không khéo lại nhão nhét như cám.

Ngoảnh đầu trông đứa con gái cả, ông còn lo hơn. Gái nhà ông cũng xinh đẹp, sáng dạ. Ngặt nỗi cô ấy lại không giống tiểu thư con nhà quan, qua cái tuổi cập kê ong bướm rồi mà chả thấy cô ấy có mối nào. Chắc tại cái vía quan võ của ông, mà đứa gái cả ngày ngày say mê đao kiếm, binh quyền.

Mân mê chén trà mãi, ông Đại tư xã thở dài. Sao trai gái nhà ông nó ngược nhau thế này?

...----------------...

(1) Bảng nhãn: Được hiểu là người đứng thứ hai trong kì thi Đình. Đứng đầu là Trạng nguyên, thứ hai là Bảng nhãn, thứ ba là Thám hoa.

(2) Tam khôi: Chế độ thi khoa cử được đặt ra ở Đại Việt thời Trần (1247), là ba danh hiệu cao nhất của học vị Tiến sĩ (còn gọi là tiến sĩ đệ nhất giáp hay tiến sĩ cập đệ) được xác định tại kỳ thi Đình, bao gồm trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa.

Download

Bạn thích tác phẩm này? Tải APP để không mất lịch sử đọc.
Download

Phúc lợi

Người dùng mới tải APP nhận mở khóa miễn phí 10 chương

Nhận
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play