Chương 10: Tam trường.

Mặt trời ló rạng sau vách núi, nắng vàng nhàn nhạt điểm tô mái đầu của những học trò.

Thi Hương, ý chỉ kì thi được mở tại quê hương Nho sĩ. Nhưng ngặt nỗi, không phải nơi nào cũng tổ chức thi, nên thường là các vùng chung một điểm thi. Các anh học trò muốn đến nơi phải vác theo lều chõng, vừa đi vừa nghỉ.

May cho cậu Ngọc, điểm thi lại đặt gần nhà, chỉ cần đi hơn nửa ngày là tới. Đặt chân tại nơi thí khảo, anh ta nom có vẻ bồi hồi lắm. Chắc anh ta bất ngờ vì người đông nghịt như kiến bò về tổ. Xa xa còn có cả mấy người lính, có lẽ cũng tham gia thi. Ai ai cũng trông ít nhất cũng phải hốt được cái danh Cống sĩ*(1), để khi về làng, người ta còn tung hô gọi là ông Cống.

Nhưng cậu Ngọc ngẫm nghĩ, đã bõ công gánh chõng đến đây thi, chi ít cũng phải làm Giải nguyên.*(2)

Nằm tần ngần nhìn tấm bạt che, cậu Ngọc lôi óc mình ra soát một lượt. Anh ta phải xem lại những gì mình đã ôn tập. Nào là Tam kinh*(3), Tứ thư. Tất thảy đều đã được anh ta thuộc làu làu.

Ngày mai, khi tiếng kẻng vang trời, trong vòng thi kinh nghĩa*(4), anh ta sẽ lôi hết ruột gan mình ra để làm bài. Vì mấy cái chữ đều nằm trong bụng anh ta rồi.

Dù hơi căng thẳng nhưng cậu Ngọc vẫn hoàn thành tốt bài thi của mình. Giờ anh ta đang sắm sửa cho vòng thứ hai, thi chiếu biểu. Độ khó đã tăng vượt bậc, từ việc chỉ cần chép lại những gì mình đã học thuộc thanh chắt lọc để chép thành bài thông qua những gì mình hiểu và biết.

Anh ta hơi mất tập trung khi thấy hai lính cai lôi sền sệt một cậu học trò khác ra khỏi điểm thi. Chả là cậu học trò ấy lén mang theo vài cuốn kinh sử, đang tính lật ra chép thì liền bị giám thị bắt được. Khi bị kéo đi cậu học trò còn hét ầm lên, biện minh cho mình. Chân tay quơ giãy, mồm mép liếng thoắng.

"Thưa! Tôi biết làm mà! Chỉ là quên thôi, xem lại là nhớ! Anh thả tôi ra đi, sắp hết thì giờ rồi."

Mặt của hai cai lính vẫn nghiêm túc không có ý dừng lại. Vị quan coi thi thì tức giận đỏ bừng bừng mặt, y như vừa uống rượu. Phất tay không kiêng dè, lệnh lính đánh cậu học trò mất đức học kia một trăm roi.

Cậu học trò nghe con số khủng bố thì lại giãy giụa mạnh hơn. Nước mắt nước mũi cứ thế vương vãi hết ra ngoài.

"Đấy còn chưa tính tội anh làm phiền các trò khác!"

Trường thi chốc chốc quay trở về tĩnh lặng. Chỉ có tiếng gió thổi những lá cờ bay phần phật. Mồ hôi đổ trên giấy khi ôn luyện đã trở thành những nét chữ thanh mảnh trên giấy thi.

Vèo vèo cái mà vòng thi tưởng dễ mà khó đã đến, thi sáng tác thơ phú.

Nghe thì cũng bùi tai. Chính vì thế, trước kia, cậu Ngọc cũng nghĩ mình sẽ dễ dàng vượt qua. Anh ta buông thả và chủ quan ở phần này. Chỉ sau khi anh ta làm thơ tặng cô Mai nhà ông quan xã, anh ta mới nhận ra mình dở ở đâu.

Cô Mai đọc thơ thì má đỏ bừng, mặt nóng lên. Khi đọc xong, cô ấy bẽn lẽn khen hay, nói thơ rất có hồn, văn phong chắc nhưng cũng mềm mại.

Lời khen bay bổng ấy làm cậu Ngọc sung sướng muốn điên lên. Men say trong người lại nồng thêm một chút.

Anh ta ba bước gộp làm hai, tức tốc về khoe mẹ. Nhưng khi anh đọc, mẹ anh lại nghệch ra. Bà nói không hay. Khi anh ta hỏi không hay chỗ nào, bà đáp nhẹ tênh:

"U không hiểu thì nào có biết hay dở làm sao. U ít học đó giờ, nghe dăm ba con chữ của đám học trò các anh, có hiểu cái ma ấy!"

Đấy là lúc cậu Ngọc nhận ra, thơ ca viết mỗi khác, thì đánh giá sẽ khác nhau. Bài thơ viết bằng chữ Hán Đường luật ấy của anh chắc chỉ người nhiều chữ như cô Mai mới thấy hay thôi. Chứ các cụ quanh năm đồng áng làng anh, suy cho cùng vẫn thích mấy câu hát vè, ca dao truyền miệng hơn.

Ở đây cũng thế, bài thơ cậu Ngọc viết cũng hay đấy. Nhưng chưa biết người chấm thấy thế nào. Anh ta thích mùa hè ngợp hoa trái, hương lúa vương nắng hạ nên ngẫu hứng một bài Hạ ngâm. Nhỡ đâu người chấm lại say trời Xuân, nước Xuân, anh ta có viết hay nấy hay nữa, cũng chỉ là chấm một nét mực vô vị vào lòng người nọ thôi.

Nghiên mực đã khô cạn, nứt ra thành từng mảng. Anh ta đang thiền để tĩnh tâm trước vòng cuối. Vòng thi văn sách. Trước khi mài thêm mực. Cậu Ngọc suy nghĩ về vấn đề mình sẽ viết. Chẳng có một vấn đề nào anh ta thực sự quan tâm. Nếu muốn gây ấn tượng với người chấm, thường sẽ là các quan, thì bàn luận một vấn đề mang tính quốc gia, triều đình sẽ rất tốt.

Cái đó lại khó ở chỗ, nếu viết hỗn, viết láo, viết sai lệch, chắc cả nhà cậu Ngọc sẽ bị xử. Anh ta không dại.

Anh ta quằn mình không biết viết gì.

Đúng lúc đó lại có một cậu trò bị kéo ra khỏi trường thi. Giờ thì không động tĩnh nào trong trường thi có thể làm cậu Ngọc xao nhãng nữa. Vì óc anh ta đang như hạt bồ công anh bay lượn khắp miền, dò xét từng chuyện, mong rằng có thể tìm ra được cái để ghi vào bài.

Chợt, anh ta nhớ đến một chuyện mà mẹ anh từng kể. Câu chuyện về thần Phùng bên Lèn Đá. Vị thần ấy đã gợi cho anh ta một ý tưởng nho nhỏ.

'Ha! Ra rồi!'

...----------------...

(1) Cống sĩ (hay Cống sinh, Cống cử, Hương tiến, Hương cống): Người đỗ trong kì thi Hương, những người này sẽ được cử đi thi Hội. Những người không được cử đi thi Hội gọi là Sinh đồ.

(2) Giải nguyên: Nho sĩ đỗ đầu thi Hương.

(3) Đầy đủ là Tam bộ kinh.

(4) Vòng thi đầu tiên của kì thi Hương. Chỉ đơn giản là trả lời ra giấy những điều được học thuộc lòng trong những bộ sách có trong nội dung thi.

Download

Bạn thích tác phẩm này? Tải APP để không mất lịch sử đọc.
Download

Phúc lợi

Người dùng mới tải APP nhận mở khóa miễn phí 10 chương

Nhận
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play