Chuyện gần chưa tính, chuyện xa đã ham. Cái kết là mệnh ngắn chưa kịp ngăn, chuyện xa là lo tang sự.
Nhưng cậu Ngọc không sao. Người phải mệnh là mẹ anh ta.
Cụ bà đã đi hơn phân nửa đời người. Với người thường cũng đã quá dài, nhưng anh ta thấy chẳng được là bao. Chỉ mới đây thôi, thực sự chỉ mới đây thôi! Anh ta mới có khả năng báo hiếu, phụng dưỡng mẹ già, mà giờ đây bà lại ngấp nghé gần đất xa trời.
Bà nằm trên chõng, khuôn mặt hiền hòa hiện lên vẻ khắc khổ, đau đớn không tả nổi thành lời. Trố mắt tao háo nhìn cậu con trai ra danh, ra hào, bà cười như đã mãn nguyện lắm. Hình như, giây phút cuối đời, một tràng kí ức mà ngỡ đã quên từ lâu bấy giờ mới từ từ hiện lên trong tâm trí.
Từ khi theo cha anh về làm phận con dâu, vợ hiền.
Thương ngoại già, mẹ không lấy chồng xa
Ví dẫu ví dầu theo người dưng nước lã
Ra đứng ngó sau chiều chiều trông quê lạ
Ngó đâu ngó đó cũng ngậm ngùi*(1)
À, ngày ấy bà lấy chồng ngay xã Đông Phong. Nhưng rất lâu rồi không nhớ vì lẽ nào mà quên mất. Ngẫm đến giờ cũng chẳng thấy hoài niệm gì, nhưng sao chợt lại nhớ đến thế. Chồng bà là ai? Giây phút sắp lìa đời, bà vẫn chưa nhớ ra được.
Hay bà cố tình không nhớ ra? Chắc vậy rồi. Chồng bà là ông giáo lãng tử nhất Lèn Đá cơ mà, quên sao cho được. Dạy nên một thân ông thầy Phùng. Thầy Phùng là em rể cách hơn mười tuổi của bà... Hình như nhớ ra hết rồi. Chồng bà vì nghiệp dạy học mà bỏ bà lên Kinh. Sau đó thì sao? Không nhớ nữa, chắc lại quên rồi. Người ta hay bảo khi sắp rời trần thế, con người ta sẽ nhớ hết tất thảy những chuyện xảy ra trong đời, nhưng quái lạ, bà cụ cứ nhớ đực quên cái, chả ma nào ra ma nào.
Từ hai hốc mắt sâu hoắm là tràng nước như chuỗi hạt đứt dây lăn xuống theo gò má. Mình mẩy chợt nóng bừng lên, bà cụ thở gấp, nhưng vẫn muốn để lại gì đó làm tin cho đứa con trai quý tử.
"Thầy của con,... Tên tục*(2) là Mỗn, t.. tên tự là Phùng Văn Khang. Là ông giáo bên Lèn Đá..."
Nói xong thân thế cha đẻ cậu Ngọc, bà cụ cứ thế nhắm mắt, ngủ một giấc ngàn thu. Cậu Ngọc tưởng như bụng dạ mình đều làm bằng gốm sứ, sơ sểnh là vỡ lách cách. Bên trong đã vỡ nát thật rồi.
Chim gõ kiến theo dòng thời gian bắt nhịp
Nước lớn nước ròng trôi nổi ca dao*(3)
Thời gian vận cứ thế trôi, vận mệnh cứ thế mà xoay chuyển, chỉ có người ra đi là không bao giờ quay trở lại. Ngó trước ngó sau, trong tâm vẫn thấy thiếu vắng một mảnh tình thương.
Tang sự của bà cụ được diễn ra đơn giản nhanh chóng. Vì không đến kịp khoảnh khắc bà cụ tắt thở, Lý Nhung và Trần Hà dù không ai nhìn thấy, vẫn là tự nguyện ngồi bên bàn thờ bà lâu nhất, chỉ sau cậu Ngọc. Chẳng biết anh ta nghĩ gì, chỉ thấy hết sáng sớm đến tối muộn đều ngẩn ngơ như người mất hồn.
Đợi đến nửa đêm, khi nghe tiếng thằng hầu gọi í ới với giọng địa phương đặc biệt của xứ Diễn Châu, anh ta mới chịu đứng dậy, nom rất vội vã chạy ra ngõ.
"Cô ấy đâu?"
"Dạ, cái ni con nỏ có biết, mới nãy mợ còn đứng đây thây..."
Thằng hầu lần đầu thấy anh quan nhà mình lớn giọng vậy nên sợ sệt đáp lời.
"Tôi đây... Anh,... Dẫn tôi vào nhà, thắp nén hương..."
Cậu Ngọc lặng người, khẽ gật đầu.
"Em đi đường xa có mệt lắm không? Sao nhanh vậy đã đến nơi rồi?"
"Ngựa tốt."
Cô Mai chỉ đáp vỏn vẹn hai chữ, nhưng đủ để cậu Ngọc nghe ra tiếng nghẹn nấc của cô ấy.
"Em tự cưỡi ngựa à?"
Cô ấy không đáp, khẽ nhấc chân bước qua ngạch cửa.
"Con nhà võ nên học được ít nhiều, cuối cùng cũng có việc cần dùng."
Càng nghe cô Mai lên tiếng, cậu Ngọc càng thấy sai sai. Cúi xuống dòm kĩ mặt cô thì đã thấy mắt trái mắt phải của cô ngấn nước. Cậu Ngọc vội vã đưa tay lên lau má cho cô.
"Em đừng khóc...Sao cứ rơi mãi thế này?"
"Bây giờ, anh tính làm sao đây?"
Còn tính sao được nữa, người chết cũng đâu thể sống lại, việc của người sống là vừa khóc vừa bước tiếp. Đợi cô Mai khóc đã đời, cậu Ngọc kéo cô ngồi xuống cạnh bàn thờ. Nhớ lại một lời dặn dò của mẹ trước khi ra đi, anh ta chợt băn khoăn.
"Con phải mang cô Mai đến đây, dập đầu hành lễ với u. Chỉ thế u mới an lòng."
Nghe lời mẹ dặn, anh ta lo xong vụ làm lễ là nhanh chóng viết thư thông báo tin dữ cho cô Mai. Cô ấy cũng chẳng ngại ngần chi, chẳng hồi đáp nữa mà xin được quan cha là phi ngựa một đường đến đây. Lộ Hải Đông cách Diễn Châu rất xa, nhưng cô ấy đến nhanh thấy lạ, anh ta hơi nghi nhưng vẫn không dám hỏi thẳng.
Nhưng cô ấy hiểu anh ta mà. Hành lễ xong, hai người hốc mắt khô khốc ngồi đối diện nhau. Cô Mai nắm tay anh, thủ thỉ.
"Mấy nay tôi ở trên Kinh. Xe chuyển thư đi qua đấy gặp nạn, đi ngang qua tiện giúp nên phu xe ngỏ lời cho tôi kiểm tra trước xem có thư ai gửi cho không. May thế nào lại bốc trúng thư anh gửi nên tức tốc xin quan cha."
Cậu Ngọc xoa mí mắt sưng húp, sụt sịt hỏi.
"Sao em lại ở trên Kinh."
Thế quái nào mà cậu Ngọc tự dưng giở cái giọng vắt ra cả chậu nước, cô Mai thấy hơi điềm, nhưng lại kiềm chế không bật ra thành lời. Cô ấy ôn tồn trả lời.
"Tôi theo quan cha lên Kinh thăm em trai."
Cậu Ngọc hình như không để ý câu trả lời của cô ấy lắm. Anh ta nhoài người ra phía cô Mai, phút mốt đã nằm gọn trong vòng tay cô. Cứ thế, hai người im lặng đến đáng ngờ.
Cỗ quan tài chưa hạ thổ đang toạ ở góc căn phòng thờ, hình như bà cụ đã hài lòng với cảnh mùi mẫn của con trai và đứa con dâu, gió rú lên một đoạn rồi bất ngờ nhiệt độ ấm hơn đôi chút.
Loáng thoáng trong đêm, thằng hầu vừa bước ra thì bị đụng cạch một cái vào đầu. Lúc ôm đầu ngửa mặt lên, đôi mắt đã linh hoạt biến đổi, bấy giờ "thằng hầu" ấy mang một nét mặt xa lạ. Trong ống tay áo tuồn ra một thanh thương, hắn huýt sáo một tiếng, cánh cửa gỗ từ từ đẩy ra. Bước ra khỏi đó là một dáng người to cao, bước đi nặng nề.
"Kêu cho đàng hoàng vào thằng mặt ngựa này."
"Thằng hầu" cũng không dễ chịu gì mà đáp lại: "Mạ mi, thằng đầu tru!"
"Đổi giọng giùm ta, nghe khó hiểu chết được."
"Nỏ thích!"
Đầu Trâu - Mặt Ngựa đã có mặt.
...----------------...
(1), (3)Trích bài thơ "Mẹ cho con xin câu hát quê mùa" của tác giả Lê Giang.
(2) Tên tục: Tên đặt khi mới sinh, thường đặt theo quan điểm càng xấu càng dễ nuôi, tránh sự quấy rầy của ma quỷ.
Updated 26 Episodes
Comments