Chương 15: Tín ngưỡng và Tôn giáo.

Nhận lấy bức thư từ tay Lý Nhung, Trần Hà hít một hơi sâu. Rất nặng, phong thư có chút dày. Xưa nay, Lý Địch vốn ghét phải mài mực viết chữ. Ngài luôn viện cớ võ thần mà kiêng kỵ thư pháp, nghiên mực. Nay lại gửi cho ả một bức thư khủng, không biết mang ẩn tình chi.

Phong thư niêm phong sơ sài, nhìn qua còn trông hơi nát và âm ẩm. Quỷ đỏ cạn lời, không biết phong thư phải chịu qua những tai kiếp nào. Nét bút nguệch ngoạc của Lý Địch vừa cứng cáp vừa thô kệch. Mỗi đầu chữ là mỗi mũi dao không ngần ngại đâm thẳng vào mắt ả.

"Sao lúc viết thư cho thầy Phùng thì tỉ mỉ, cẩn trọng, còn bày đặt làm thơ mà viết cho ta thì như tùy tiện vứt rác vậy? Ông Sơn thần đúng thật là!"

Bên trong, Lý Địch cũng không viết theo bố cục hay gửi lời chào thân ái nào cả. Tất cả chỉ là một mớ hỗn độn kể lể ngọn ngành chuyện xã Đông Phong. Sau cùng thì than vãn từ ngày Quỷ đỏ và Lang thần rời theo Trục Ngọc vào Diễn Châu, tín đồ dâng hương vơi hẳn đi.

'Ban đầu ta chỉ nghĩ là do dạo này ít tai hoạ, thi thú cũng xong nên ít người tới cầu may. Nhưng không ngờ, một hôm lượn lờ xã Viên, ta thấy bên cạnh trường đại tập là một ngôi chùa mới xây, còn chưa khô vữa.

Ôi giời! Ngươi ra vào như kiến. Biết ngay mà! Cái lí nó phải thế!

Chị nghĩ xem có phải do miếu thờ gia tiên, thờ thần tự nhiên, thờ người có công hết thời rồi phỏng? Bây giờ người ta chỉ thích đền Nho giáo, Phật giáo thôi. Lòng dạ tôi dạo này não nề, không nuốt nổi giọt rượu nào.'

Lý Nhung đọc liếc qua bức thư, buông lời mỉa mai: "Hài hước thật... Miếu của Sơn thần cũng gọi là tích hợp Nho giáo đi. Mà chữ của ngài Sơn thần xem ra rất phóng khoáng nhỉ? Thích viết thế nào thì viết."

"Em thật là..."

Từ thời vua Trần, các vị đã suy tôn Nho giáo, coi trọng Phật giáo. Để mà nói, thú thực thời thế xoay chuyển ít nhiều. Nhưng suy cho cùng, chẳng có thời nào mà thờ gia tiên, thờ thần tự nhiên và người có công hết thời cả. Vì ăn sâu trong máu dân Đại Việt là cội nguồn. Mà đã là cội nguồn, họ tuyệt nhiên không để mai một. Hôm nay ngày mai, tín đồ ít đi, nhưng không có nghĩa là hương hoả tan tành.

Để cầu mưa thuận gió hòa, người ta lại chẳng đi cầu thần sông, thần núi rồi thần biển. Muốn bình an lại chẳng cung kính thắp nén hương cho ông bà gia tiên. Lễ Tết, ngày hội, thứ dân tạ ơn anh hùng có khi nào mà vơi?

Vị Sơn thần này, lo xa quá rồi. Đọc xong thư, dù đã muộn, Trần Hà nghĩ ngợi cũng nên hồi đáp, nên lại lọc cọc tìm giấy bút, nghiên mực.

Ả nói: 'Tìm chốn gửi lòng tin xưa nay đã là bản năng của con người. Vì sợ sức lực không đủ nên mới tìm đến thứ cao siêu là thần, là quỷ. Đó là tín ngưỡng.

Nhưng, nếu chưa đủ thoả lòng, một mình có niềm tin là không đủ, họ cần nhiều người có chung một tín ngưỡng, cùng thờ một mẫu thánh thần. Chỉ khi thấy có nhiều người cũng có đức tin giống mình, họ sẽ chịu mở lòng. Đấy là Tôn giáo.

Một mực tin vào đấng trên cao mới chính là điều con người nhất.

Họ cần một đức tin, hay còn nhiều hơn thế. Và ngài cũng đừng lo về việc bản thân hết thời. Tín ngưỡng là trong tâm thức, Tôn giáo là trong hi vọng.

Ngài tỏ hay không còn tùy tâm tùy ý.'

Gác bút xong thì Trần Hà ngồi đợi mực khô. Lý Nhung quan sát thấy ả lại rơi vào hư không, nơi riêng ả một cõi. Có rất nhiều lần, Trần Hà luôn như người trong mơ vừa tỉnh, mười phần thì hết chín phần ngơ ngác. Dạo gần đây, Lý Nhung thấy biểu hiện ngày một nặng thêm. Thi thoảng y còn không cảm được hơi thở và nhịp tim của ả. Như thể con quỷ đã thực sự chết đi. Nhưng không lâu sau liền tỉnh lại, rồi cũng mất mấy canh giờ mới lấy lại thần thức. Nom thấy ả chớp mắt, Lý Nhung đỡ ả đứng dậy. Y không rõ ngọn ngành, nhưng y tạm coi là con quỷ già này mệt rồi, không gắng được nữa.

Lý Nhung xua xua tay, một đường đẩy Trần Hà vào gian phòng thờ cúng.

"Em thấy ngài dạo này mệt mỏi quá nhiều rồi. Đi nghỉ ngơi trước đã nhé?"

"Ừ, ta cũng cho là vậy."

Nói rồi, hai bóng dáng quỷ thần ấy cũng khuất bóng. Bước chân cũng chỉ như gió khuya len lỏi qua lá tre. Con quỷ được Lý Nhung dìu dắt, từ từ ngồi xuống tấm toạ cụ*(1). Trong chốc lát, Lý Nhung lại cảm thấy không ổn. Chớp mắt một cái, sự sống trên người Trần Hà lại như dây diều trong mắt bão, gió giật là đứt. Hoặc thậm chí gió chưa nổi đã tự mình đi trước. Mạng một con quỷ sống ngàn năm giờ đây cũng như cánh diều đứt dây, bay vút về phía đại ngàn, khuất dạng. Trong khoảnh khắc Lý Nhung chưa nắm bắt được tình hình, hơi thở của Quỷ đỏ cùng ngọn nến heo hắt đột ngột cùng nhau vụt tắt.

"Quỷ đỏ! Ngài sao vậy?! Tỉnh lại đi! Nghe em nói đi mà!"

Dẫu Lý Nhung có gào hét đến đâu, Trần Hà cũng không có dấu hiệu lấy lại sự sống.

Ả vốn là quỷ, nói chết là chết sao. Cái kiểu chết này là chết vì tuổi già giống như con người - bất đắc kì tử. Ấy lại càng hoang đường. Lạ cái điều này diễn ra ngày càng thường xuyên.

Chết? Một con quỷ có thể chết nhiều lần, ả chính là vậy! Không sai. Mà cũng không đúng.

Theo như ghi chép của sổ sinh tử mà Lý Nhung đọc được, Quỷ đỏ có sinh nhưng không có tử. Ả vốn thành hình bởi thiên nhiên sông nước, là sinh vật mang sự sống. Khoảnh khắc thành hình, ả có thể tùy ý định dạng. Và, đương nhiên, ả chọn làm quỷ. Định nghĩa được bản thân là thứ gì liền nằm ngay tại bờ con sông thân sinh của mình hàng ngàn năm.

Có lẽ chính vì thế con quỷ ấy mới được người ta gọi là Hà Quỷ hay Giang Quái.

Lý Nhung còn nhớ Trần Hà từng nói với y rằng ả vốn không có tên họ, người ta đồn đại, gọi sao cũng được. Nhưng tuyệt nhiên, ả vẫn chọn cho mình một cái tên hợp ý nhất.

"Quỷ đỏ Trần Hà, danh xưng của ta."

Lý Nhung thắc mắc về nguồn gốc cái tên, ả cũng chẳng màng giấu giếm. Cứ thế giải bày một lượt.

"Hà là sông. Nơi ta thành hình. Nhưng thành hình xong vẫn chưa thành mệnh, mông lung một hồi thì ta lại tìm về chốn cũ, nằm đó ngủ một mạch mấy ngàn năm. Lần thứ hai tỉnh dậy, ta phải cố lắm mới lật được đống đất đá chôn vùi mình. Quanh đó năm dặm là một làng có tập quán săn bắn, trưởng làng đi săn nhặt được ta nên mang về nuôi. Lúc đó vẫn chưa có họ. Chỉ độc nhất tên Hà được người làng đặt cho."

Tò mò nhiều hơn về thân phận của Trần Hà, Lý Nhung lại khơi chuyện nhằm được nghe thêm.

"Lúc đó? Là khoảng thời gian nào ạ?"

Không có câu trả lời nào cho thắc mắc của y. Trần Hà mắt nhắm nghiền, dùng ngón tay day trán.

"Để ta cố nhớ xem... Chắc khoảng,... Từ thời 'sông Văn Lang', 'nước Văn Lang'?"

Văn Lang?

Đã từ rất lâu, rất lâu người ta gọi người Đại Việt là người Văn Lang.

"Em không nghĩ chúng ta chỉ cách nhau một ngàn sáu trăm năm đâu ạ."

Lý Nhung thở dài. Không hiểu nổi tại sao lúc đó Trần Hà lại tính toán ra con số 'nhỏ bé' như vậy. Y lại tiếp tục bấu lấy câu chuyện của Quỷ đỏ.

"Sau đó thì sao nữa ạ?"

Trần Hà nắm lấy tay Lý Nhung, xoa nhẹ rồi ôn tồn nói tiếp.

"Ờm kí ức về phần này không rõ ràng lắm. Ta chỉ nhớ là rất lâu sau, ta mới biết mình là thứ gì. Không phải con người, cũng không phải thần tiên, ma cũng chẳng phải. Ta có trái tim, có nhịp đập và hơi thở. Cũng dễ bị thương, bị bệnh như lẽ thường. Lúc ấy uất ức không chịu được, sức mạnh lần đầu bộc phát... Ta, ta đốt cháy cả một vùng. Đến khi nhận thức được đã thấy mình bị giam bởi mấy vị thần quan. Chuyện sau đó thì dần dần sáng tỏ thôi. Ngọc Hoàng vì thương tình lời khẩn cầu của mụ bà Trần Tứ Nương*(2), cho ta một đường sống còn ban cho ta họ Trần.

Nhưng nào có dễ đến vậy. Tiên giới chán ghét ta, nhân gian ghê sợ ta. Chỉ có chốn âm ti địa ngục không để tâm ta là dạng gì mà chứa chấp..."

"Sau đó?"

Không còn sau đó nữa, ả không nói thêm bất kì điều gì cả. Chỉ thấy tâm trạng hỗn loạn, mắt giăng tơ máu, hơi thở gấp gáp của ả đã đạt đến cực điểm. Lý Nhung không tiện hỏi thêm. Suy cho cùng, đó là bóng đen mãi không thể phai mờ của một tấm đời trường kì bi kịch. Y hận bản thân mình đã khoáy động hồ nước đục trong tâm thức của Trần Hà. Dẫu cho thứ nước ấy đã bị cô đọng, đặc sệt khó mà lấy lên, Lý Nhung vẫn như dã thú đào bới nó, khiến nó trở nên tanh tưởi và bốc mùi.

Chẳng biết đã qua bao lâu, Trần Hà cũng dần dần tỉnh lại. Lý Nhung cảm nhận được động tĩnh liền bật dậy trong vô thức.

"Ngài tỉnh rồi!"

"Ừ, tỉnh sau một giấc mộng dài..."

...----------------...

(1) Toạ cụ: miếng đệm kê gối được sử dụng nhiều trong việc quỳ lạy, cúng viếng.

(2) mụ bà Trần Tứ Nương xuất phát từ truyền thuyết thần thoại Việt Nam, theo quan niệm dân gian là một trong những tiên nương phụ trách vấn đề sinh nở, được người dân tại Việt Nam thờ cúng theo tín ngưỡng. Bao gồm 12 bà mụ thay nhau trong coi việc sinh sản trong 12 năm, tương ứng với 12 con giáp.

Download

Bạn thích tác phẩm này? Tải APP để không mất lịch sử đọc.
Download

Phúc lợi

Người dùng mới tải APP nhận mở khóa miễn phí 10 chương

Nhận
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play