Kể từ sau ngày nộp đơn Ngọc dần bình tĩnh hơn, thay vì tiếp tục đập phá vòng gốm, cậu chuyển sang tra thông tin trên Internet với hy vọng tìm được giải pháp. Nhưng rất tiếc, không có.
Thời gian cứ thế trôi đi, vòng gốm vẫn nằm trên tay cậu, Ngọc cố giấu bố mẹ nên cả hai người không ai hay biết gì, cộng thêm chẳng có gì bất thường xảy ra nên cảm giác lo lắng, sợ hãi ban đầu của Ngọc cũng dần lắng xuống.
Sau một tuần lễ nộp đơn, hôm nay vào khoảng chín giờ sáng ngày thứ hai đầu tuần, mẹ Ngọc nhận được bưu phẩm gửi tới từ trường Ngọc đăng kí, bà tự ý mở xem.
Ngay khi nhìn tới ngành nghề cậu trúng tuyển, bà không khỏi ngạc nhiên hét lớn lên lầu trên:
“Ngọc phiếu xét tuyển của con có rồi này. Mẹ tưởng con đăng kí ngành hội họa chứ, sao giờ lại trúng tuyển ngành gốm thế này!”
Ngay khi nghe được câu đó, Ngọc phóng vội xuống nhà, chạy tới bên mẹ mình, hấp tấp giật đi phiếu báo.
Ở mục ngành trúng tuyển, quả nhiên là ngành “gốm dân tộc”.
Tay Ngọc phát run, cậu nuốt vài hơi đắng chát qua cổ họng:
“Không phải... rõ ràng... con đăng kí... ngành hội họa mà!”
Nhìn mặt mày con trai trắng bệch, bà vội trấn an:
“Không sao, bình tĩnh đi con, con gọi lại cho trường hỏi thử xem, có khi nào họ có nhầm lẫn gì ở đây không!?”
Ngọc vội vã gọi điện theo lời mẹ.
“Xin chào, là phòng tuyển sinh của trường mỹ thuật phải không ạ!” Ngọc vội vã nói ra yêu cầu của mình. “Vui lòng kiểm tra giúp em thông tin của Lê Ngọc. Tại sao em đăng kí hội họa lại trúng tuyển nghề gốm dân tộc vậy ạ!?”
Bên kia yêu cầu cậu chờ đợi. Thời gian chờ đợi lúc này tuy chỉ mấy phút nhưng đối với Ngọc lại như qua cả thế kỉ.
Và kết quả cậu nhận lại khiến tim Ngọc như rớt ra ngoài.
“Em chỉ chọn mỗi ngành gốm dân tộc, ngoài ra em không có tích chọn thêm một nguyện vọng nào khác.”
Ngọc bàng hoàng, cậu nhớ rõ là mình đã kiểm tra kĩ càng trước khi nộp rồi kia mà!
Ngọc cố lấy lại bình tĩnh hỏi tiếp:
“Vậy em có thể đổi ngành khác được không?”
Bên kia báo về.
“Rất tiếc hiện tại không thể, vì số lượng sinh viên các ngành khác đã đầy. Nếu muốn thuyên chuyển, em phải chờ qua năm sau.”
Ngọc không biết mình đã kết thúc cuộc gọi như thế nào, người cậu thừ ra. Cậu không buồn vì không tuyển đúng ngành, mà cậu sợ, sợ những điều kì quái đang lần lượt xảy ra.
Bắt đầu từ vòng gốm, bình gốm, và giờ đây là chuyên ngành gốm. Gốm! Tất cả đều có liên quan đến gốm!
***
Sau hai ngày điều chỉnh tâm trạng Ngọc quyết định sẽ nhập học tại trường với ngành gốm dân tộc.
Cậu muốn thông qua một năm này tìm hiểu xem có loại gốm nào như cái vòng cậu đang đeo không. Đồng thời cũng hy vọng việc mình vô tình rớt vào ngành này sẽ cho cậu lời giải về cái vòng gốm kì lạ trên tay.
Sáng sớm hôm nay, theo lịch trình được gửi kèm trên tờ thông báo trúng tuyển, Ngọc tới trường vẫn trong bộ dạng quen thuộc: Áo gió che chắn kín kẽ, khẩu trang che kín mặt, đầu trùm kín.
Khoa gốm dân tộc tọa lạc trên lầu ba của trường, khá vắng lặng, ít người qua lại hơn so với hai lầu dưới. Cả hành lang dài vậy mà không một bóng người lai vãng, các phòng học đóng cửa kín như bưng.
Ngọc bước chân đi nhanh, đôi mắt khuất dưới mũ trùm khẽ nhìn quanh. Những mô hình phôi gốm nằm trong các phòng dựng bằng kính im lìm nhìn ra đây như đang dõi theo Ngọc.
Cậu siết chặt cánh tay đang nhét trong túi quần, bước đi như bay cho đến khi cậu nghe thấy tiếng nói chuyện xì xào vọng ra từ một căn phòng.
Ngọc nhìn vào và trông thấy nhóm người hơn mười người ngồi trong phòng, tụm ba tụm bảy nói chuyện rất rôm rả.
Cậu bước vào không câu chào, đi thẳng xuống cuối lớp, lật mũ trùm ra nhìn một vòng các bạn. Không một lời nào mà ngồi phịch xuống, bất cần tựa lưng vào ghế khoanh tay nhìn ra cửa, hy vọng ông thầy chủ nhiệm nhanh nhanh cút vào đây giải quyết nhanh buổi đầu để cậu còn về.
Thái độ lạnh nhạt bất cần, khiến các bạn học cảm thấy khó chịu. Họ liếc nhìn Ngọc một cái không ai buồn bắt chuyện với cậu.
Ngay lúc này thầy chủ nhiệm khoảng ba mươi bước vào, cười cực kì ôn hòa với tất cả học sinh của mình.
Mở màn quen thuộc diễn ra, sau khi giới thiệu tên mình, thầy yêu cầu mọi người tự giới thiệu về bản thân để cùng làm quen.
Ngọc là người cuối cùng, thái độ của cậu khá hờ hững khiến thầy không mấy hài lòng.
“Tôi biết các em vào ngành này đa số đều không thích hoặc không tự nguyện, nhưng khi đã vào dù mang theo thái độ nào tôi cũng hy vọng các em hãy nghiêm túc với gốm dân tộc.” Thầy cố ý nói cho Ngọc nghe, đồng thời cũng nói với hơn mười bạn còn lại.
Cả lớp yên lặng.
Sau câu nói của thầy không khí phòng học liền chùng xuống. Để khuấy động lại không khí, thầy mỉm cười mở lời báo một tin vui.
“Năm nay trường chúng ta sẽ thay đổi cách thức dạy với nghề gốm. Thay vì nhập học thẳng như các năm, năm nay trường sẽ tổ chức một buổi tham quan khu di tích gốm trước khi vào học, thời gian là vào đầu tuần sau, chúng ta sẽ đi ba ngày hai đêm.”
Nghe xong cả lớp xôn xao, một vài bạn nữ lên tiếng.
“Chúng ta sẽ đi thăm quan ở đâu vậy thầy?”
Thầy cười tươi cực kì tự hào nói lớn:
“Chúng ta sẽ đi tham quan khu di tích gốm Chu Đậu ở Hải Dương.”
Ngay khi thầy dứt câu cả lớp ồ lên sung sướng. Mới mở màn trường đã cho họ đi xa đến vậy không ai là không thích.
Trong khi Ngọc lại khác, cái tên Chu Đậu như một cái búa gõ mạnh vào tim cậu vang lên cái thịch.
Chu Đậu… nó quá quen, quen một cách lạ lùng. Cậu chưa từng đến đó, thậm chí nghe về nó, đây là lần đầu tiên cậu nghe về nó, vậy tại sao lại có cảm giác quen như thế?
Mặt cậu hơi tái đi, Ngọc cúi gằm mặt xuống bàn hòng che lại mọi cảm xúc của mình.
Trên kia ông thầy tiếp tục nói về nơi họ sẽ tới và kinh phí di chuyển.
“Chuyến đi lần này được tài trợ hoàn toàn bởi ban giám hiệu nhà trường và trưởng khoa gốm dân tộc của trường ta, các em không mất chi phí nào cả ngoại trừ chi phí cá nhân. Cơm ngày ba bữa, phòng được sắp xếp ngay trong khu di tích cổ siêu đẹp.”
Lũ bạn quanh cậu nghe vậy ồ lên sung sướng vô cùng.
Thầy giáo cười tươi trấn át tiếng ồ sung sướng của học sinh, tiếp tục vấn đề cần phải nói của mình.
“Để các em hiểu hơn về gốm Chu Đậu, thầy sẽ nói thêm cho các em vài thông tin về khu di tích đó.”
Thầy tằng hắng giọng.
“Chu Đậu vốn là một làng gốm lớn tồn tại cách đây hơn ba trăm năm, theo nhiều nguồn tài liệu cổ tìm được, làng gốm này từng làm ra các loại gốm dùng trong hoàng cung. Đặc biệt...!”
Nói tới đây thầy nhấn giọng tỏ ra thần bí.
“Đặc biệt có vài tài liệu còn ghi lại rằng họ có làm ra một loại gốm có tên là Gốm Chu Giữ Bảo, một loại gốm có công dụng y như tủ lạnh chúng ta đang dùng bây giờ. Loại gốm này có thể giữ nguyên dạng một vật khi để vào trong đó ít nhất mười năm, thần kì đến mức trở thành huyền thoại thời đó.”
Nghe tới đây không ít bạn học rối rít bàn luận, không ai để ý Ngọc đang cúi mặt ở góc phòng, tay run run.
Gốm Chu Đậu, Gốm Chu Giữ Bảo, hai cụm từ ấy không ngừng đua nhau lặp đi lặp lại vang lên inh ỏi trong đầu cậu.
Tại sao cậu lại thấy hai cụm từ này quen vậy chứ?
Phía trên, ông thầy tiếp tục luyên thuyên với gốm Chu Đậu.
“Nhưng rất tiếc, do làng gốm Chu Đậu biến mất một cách li kỳ nên các tài liệu về loại gốm này còn rất ít, rất khó để phục chế lại. Theo một vài ghi chép để lại không ai biết làng gốm Chu Đậu vì sao lại biến mất, thậm chí đến những người dân hiện tại đang sống trên đất Chu Đậu cũng không hay biết gì về làng này và họ cũng không biết làm gốm.”
Câu chuyện về ngôi làng gốm này càng nói càng thần kì, giống như một câu chuyện kinh dị luôn hấp dẫn người nghe. Các bạn học sinh im thin thít, ngoan ngoãn ngồi yên lắng nghe ông thầy trên kia múa miệng.
“Cách đây hơn sáu năm, một số giáo sư đã tìm ra truyền nhân Chu Đậu tại làng gốm Bát Tràng, nhưng rất tiếc không ai trong họ biết gì về Chu Đậu. Một số người thì đã từng nghe ông cha họ nói về hai từ này, nhưng sau khi nói ra, cha ông họ lại dặn con cháu không bao giờ được tìm hiểu về hai từ này, cũng tuyệt đối không được nhắc tới nó...”
Câu chuyện gốm Chu Đậu biến mất thần kì vô tình khơi gợi lòng tò mò của tất cả học sinh trong phòng, mọi người hồ hởi đăng kí và chờ đợi ngày để được về cái nơi thần bí ấy.
Chỉ riêng Ngọc, khi thầy vừa rời khỏi phòng là cậu liền rời theo, đi như chạy vọt qua hành lang vắng bóng người lao ra khỏi trường.
Bên ngoài không khí thoáng đãng hơn mới khiến cảm giác tai lùng bùng của Ngọc giảm bớt.
Cậu bắt xe buýt về nhà, suốt cả chặng đường đều im lặng trầm tư.
***
Sau buổi nhập học Ngọc phần nào suy đoán được nguồn gốc của vòng gốm trên tay mình, nó chắc chắn có liên quan đến nơi được gọi là Chu Đậu kia.
Không ít lần Ngọc tính nói chuyện này cho bố mẹ nhờ họ giúp đỡ, nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại Ngọc vẫn quyết định giữ kín mọi chuyện, để mình tự tìm cách giải quyết trước xem sao.
Cứ thế thời gian trôi qua, ngày họ xuất phát đi tham quan đã tới, Ngọc quyết định không tham gia buổi tham quan nên không buồn nói với bố mẹ chuyện này. Bên nhóm chat của lớp cậu cũng không online nhắn tin trả lời gì cả, mặc cho cô lớp trưởng vừa nhận chức réo tên cậu liên tục.
Cứ thế cậu yên tâm ở nhà. Nhưng những thứ quỷ quái lại luôn thích đến những lúc không ngờ nhất.
Vào khoảng bốn giờ ba mươi phút sáng ngày xuất phát, đang khi Ngọc say ngủ cái thứ quỷ quái ấy đã len vào phòng cậu.
Cốc!!! Cốc!!!
Tiếng gõ cửa vọng vào phòng đánh tỉnh Ngọc, cậu bật dậy, mơ màng nhìn ra cửa.
Cánh cửa vào phòng vẫn đóng kín, không gian xung quanh chỉ nghe thấy tiếng quạt gió quay, ngoài ra không một tiếng động nào khác.
Ngọc hơi hãi, cậu lo lắng nhìn xuống vòng gốm trên tay. Bất ngờ nó không còn ở nơi đó, để cho chắc cậu chạm tay lên sờ thử ở cổ tay, không còn cộm, cũng chả có dấu hiệu lạnh lẽo của vòng gốm.
Khi Ngọc vẫn còn không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ngay lúc này, cậu nghe thấy tiếng đẩy cửa ken két.
Ngọc giật mình nhìn qua, ngay tức khắc người cậu cứng lại, cơn ớn lạnh chạy dọc từ xương cụt đâm thẳng lên đầu tê buốt.
Cánh cửa phòng ngủ vốn đóng kín vậy mà giờ đây lộ ra một khe hở, ở ngoài khe hở một bóng người nữ mặc áo đỏ đang đứng đó.
Hình ảnh ấy thật hãi hùng, nhưng không hiểu sao tầm mắt cậu lại cứ bị chú định vào khuôn mặt không mắt không mũi, chỉ lộ rõ đôi môi đỏ chót của bà ta ngoài cửa.
[Hãy đến Chu Đậu!]
Giọng nói lạnh lùng như gió rít vang lên, sượt qua vành tai Ngọc lạnh buốt.
Bà ta chỉ nói đúng câu đó rồi biến mất, trả lại cánh cửa phòng đóng kín, tiếng quạt gió quay lần nữa vang lên.
Trên giường lúc này Ngọc dần lấy lại hành động, cậu đưa tay lên.
Vòng gốm đã trở lại nằm nơi cổ tay cậu. Ngọc phát hoảng, cậu lao xuống giường, đôi chân tê cứng ngay khi chạm nền gạch liền quỵ xuống tha cả người Ngọc ngã sấp ra sàn.
Cơn đau do cú ngã không đủ để trấn át nỗi sợ trong lòng, bất chấp tất cả cậu cố gắng bò dậy lết nhanh tới mở sáng đèn phòng.
Ánh sáng chiếu tỏ mọi góc phòng khiến Ngọc thấy yên tâm hơn. Cậu cố điều hòa từng nhịp thở nặng nề của mình, cánh tay đeo vòng gốm run rẩy vươn lên, khó khăn gạt đi mớ mồ hôi rịn đầy trên trán.
Ngọc nhìn ra phía cửa, nuốt từng hơi khô khốc qua cổ họng. Cậu có cảm tưởng như bà ta vẫn đang đứng ngoài kia, chăm chăm nhìn vào đây, chực chờ để được lần nữa cùng cậu đối mặt.
Ngọc cứ vậy nhìn cánh cửa canh chừng.
Chốc sau khi tinh thần dần ổn hơn, Ngọc bắt đầu mò xuống bàn lôi ra cái búa nhỏ mình lấy của bố đã nhiều ngày, điên cuồng đập vào vòng gốm.
“Tao phải đập nát mày! Tất cả là tại mày! Cái vòng tay quỷ ám gớm ghiếc! Tao phải nghiền mày thành bụi!!!”
Ngọc mang ý định điên cuồng đó không ngừng nện vào vòng tay, nhưng rất tiếc nó vẫn ở đó y nguyên như vậy.
Updated 63 Episodes
Comments
Venn
hình như tác giả ở Hải Dương phải không?
2021-09-02
1
Kim Luyến
cuốn vô cùng !!
-Gốm Chu Đậu có Thật Loại gốm sứ này thường được nhắc đến với tên gốm Chu Đậu là do lần đầu tiên người ta khai quật được các di tích của dòng gốm này ở Chu Đậu. Sau này, khi khai quật tiếp ở Mỹ Xá (làng bên cạnh Chu Đậu) thì người ta phát hiện ra khối lượng di tích còn đa dạng hơn và có một số nước men người ta không tìm thấy trong số các di tích khai quật được tại Chu Đậu.
Tại Mỹ Xá, gia phả dòng họ Vương có ghi câu "...tổ tiên...lấy nghề nung bát làm nghiệp". Câu này hiện được lưu lại trong bảng ghi lịch sử dòng gốm sứ này tại Xí nghiệp gốm sứ Chu Đậu.
!Suốt nhiều năm qua, một câu hỏi lớn là vì sao đang phát triển rực rỡ như gốm Chu Đậu bỗng chốc lụi tàn như chưa từng tồn tại là rất kỳ lạ.
Ô mai gót
2021-06-02
8
A•A
má ơi tui nổi cả da gà này
2021-05-12
0