Ấn tượng đầu tiên của Dương Thiên Tú về anh trai nuôi là một chàng trai hiền lành và vô cùng hài hước nhưng hoá ra anh cục cằn và nóng tính hơn nó từng nghĩ rất nhiều.
Quốc khánh năm nay được nghỉ lễ dài ngày, mẹ nó nói bâng quơ muốn đi chùa chụp ảnh, anh là người hăng hái nhất, chuẩn bị máy, chân dựng, dụng cụ tản sáng, sẵn sàng chụp cho mẹ và em gái nuôi những tấm hình đẹp nhất. Anh chủ động nhắn tin cho nó từ khi còn sớm: “Em ơi, hôm nay hai mẹ con có đi chơi không em?”
Nó trả lời lại: “Mẹ em có nói gì đâu anh.”
“Vậy à, hôm trước mẹ bảo đi chụp ảnh, anh tưởng đi thật thì anh chụp ảnh cho.”
“Vậy để em hỏi lại mẹ em xem sao nhé!”
Rồi nó nhận ra có điều gì đó sai sai. Đọc lại đoạn tin nhắn, nó giật mình chột dạ. Nó đang chiếm lấy mẹ của riêng nó, nhưng thực tế thì mẹ nó cũng là mẹ anh, mẹ không chỉ còn là của mình nó nữa rồi. Nó bèn nài nỉ mẹ đi cho bằng được, kiếm cớ sửa lại cách xưng hô cho đúng: “Mẹ đồng ý đi rồi nha anh!”
Thiên Tú thầm cười tự hài lòng, cũng may là nó đã kịp nhận ra. Nếu nó cứ mãi “mẹ em” như thế, hai anh em sẽ chẳng thể gần gũi nhau thêm chút nào, anh sẽ chẳng vẫy nó lại xe mình đi chung như bây giờ. Nó hơi ngượng, nhưng sau cùng vẫn gật đầu đồng ý.
“Cơ hội đây rồi”, nó thầm nghĩ, nhại lại lời thoại của bộ phim hoạt hình mới xem, “Chiến dịch làm quen anh trai bắt đầu!”
Ngồi sau lưng anh, nó mới có cảm nhận hoàn toàn khác. Anh bắt đầu cằn nhằn mấy người đi ẩu. Người ta thường chửi thầm, anh thì khác, chẳng thèm giữ lại bất mãn trong lòng mà ngay lập tức buông lời nói tục: “Đi xe thôi cũng ngu!”. Nó không khỏi phì cười, xem ra anh nuôi nó thú vị quá chừng.
Anh nói tục nhiều thế, nhưng trước mặt mẹ, anh lại là một đứa con ngoan. Thiên Tú tưởng anh là một con người giả dối giống mình, nhưng thực ra không phải. Tình cảm của anh chân thật hơn ai hết, kiên nhẫn chụp cho mẹ không biết bao nhiêu là ảnh, chịu đựng bản mặt khó ưa không chịu hợp tác của em gái mình.
“Nào, Tú, cười lên cái xem nào. Mặt em như “ấy” ngâm ba ngày, sao anh chụp được?”
“Tú, anh bảo tươi lên cơ mà, em cho anh giữ cái lương tâm người chụp ảnh được không?”
Nó cố gắng kéo mép lên, nặn ra một nụ cười méo xệch.
“Em… à mà thôi, mẹ ơi, em nó không thích chụp thì đuổi ra cho đỡ xấu ảnh của mẹ.”
“Sao anh hiểu mình thế nhỉ?”, nó nghĩ, liếc nhìn xem phản ứng của mẹ ra sao. Nó ngại nói, sợ mẹ mất vui.
Đức Nam gọi nó lại, Thiên Tú liền đi nhanh đến, loi nhoi nhìn vào máy ảnh. Anh cao hơn nó, nên mỗi khi muốn xem, nó phải rướn người, nhảy nhót. Nam trông em mình cũng tội, nhưng càng tội anh lại càng muốn trêu, giơ máy lên cao, ghẹo nó nhảy lung tung như đang gắn lò xo dưới đế dép.
“Mẹ vào trong cầu an, hai anh em ngồi ngoài chờ mẹ chút nhé!”, người mẹ dặn dò.
Đức Nam liền tranh thủ cho “em gái lò xo” xem những tấm ảnh vừa chụp, như thể khoe những chiến lợi phẩm đáng tự hào của bản thân. Con bé tròn mắt trầm trồ, nó không ngờ những điều giản dị, bình thường rất đỗi mà bản thân từng lướt qua chỉ trong một khắc lại trở nên đẹp kì lạ trong máy ảnh của anh. Thiên Tú xem không rời mắt, hết tấm này đến tấm khác, thích thú vô cùng. Rồi nó nhìn thấy một vài tấm ảnh “không được bình thường cho lắm” theo nhận định của nó:
“Anh chụp ai đây anh?”
“Anh có biết đấy là ai đâu.”
“Thế sao anh chụp?”
“Thì… soi gái tí”, anh đáp thản nhiên, “Em mà thích chụp ảnh, chịu làm mẫu cho anh thì anh đã chẳng phải đi lén lút chụp người ta. Nghĩ đến cảnh chụp nhầm người yêu ông nào, không khéo anh bị vả cho lệch hàm.”
Nó cười, nhưng Thiên Tú phải công nhận, cô gái trong tấm hình anh chụp trông thật xinh đẹp. Anh chọn khoảnh khắc khi người ta tự nhiên nhất, hoàn toàn không cần tạo dáng mà tôn lên tất cả nét đẹp tự nhiên của con người. Anh gọi đó là “soi gái”, một hành động rất đời, nhưng nó có cảm giác, anh dùng lăng kính trên tay, gột rửa tất thảy những cát bụi trần đời, giữ lại những nét đẹp mong manh chóng tàn trong một khắc ở lại mãi với đời.
“Cho em xem cái này…”
Anh giả vờ bí ẩn lấy tay che màn hình máy ảnh rồi mở ra: “Thấy sao?”
Nó không nói, chính xác hơn, bức ảnh mỹ lệ đến độ cổ họng nó nghẹn lại không nói nên lời. Dư huy nhuộm đỏ mái chùa, tản sắc lên khu rừng xa. Cảnh vật trong máy tĩnh lặng hoàn toàn, mà bằng cách nào như thể đung đưa, xoay vần theo dấu hoàng hôn qua.
“Ngày hôm nay với anh chỉ cần chụp được tấm này là đủ.”
“Đẹp thật…”, Thiên Tú cảm thán, “Em muốn chụp ảnh đẹp như anh.”
Đức Nam liền cười: “Ơ kìa, em mà thích chụp ảnh thì ai làm mẫu cho anh bây giờ?”
“Anh cứ chụp người khác đi, em muốn là người chụp ảnh, chụp đẹp giống anh cơ.” Nó nũng nịu.
“Thế là anh em mình lại thêm điểm giống nhau rồi đấy, khác mỗi bộ gen.” Anh cười, rồi nhìn vào tấm ảnh: “Anh thích hoàng hôn lắm, đúng hơn là anh yêu tất cả những thứ thuộc về bầu trời.”
Nó liền tán thành không mảy may suy nghĩ: “Em cũng vậy đó anh!”
Thiên Tú nhìn lên bầu trời, còn anh nhìn nó.
“Anh mới nhận ra điều này hay lắm.”
“Gì thế anh?”, nó tò mò.
“Tên em, Dương, Thiên, Tú, mặt trời, thiên không và những vì sao, em thuộc về bầu trời.”
Bà Phương xong việc, quay trở ra giục giã: “Hai đứa ơi, đi về thôi!”, nhìn thấy hai anh em vui vẻ tám chuyện trên trời dưới đất, bà mỉm cười hỏi con gái: “Thế đi cùng xe với mẹ hay với anh nào?”
Tú vội vàng đáp, như thể sợ ai cướp đi anh của nó vậy: “Con đi với anh."
Thấy con gái vui tươi, tấm lòng người mẹ nhẹ nhõm hơn nhiều. Đã lâu lắm rồi, Thiên Tú chẳng hề nói cười với bất kì ai khác ngoài bố mẹ. Giáo viên nhiều lần trao đổi, khuyên bà đưa cô bé đến trường giáo dục đặc biệt, nhưng bà không đồng ý. “Thành tích của Thiên Tú rất tốt, nhưng không có lấy một người bạn, cũng chẳng chịu giao tiếp với thầy cô.”, đó là lời nói suốt năm năm liền bà phải lắng nghe. Tâm bà không dao động, bởi bà biết, con gái bà vốn chẳng có vấn đề gì về thần kinh cả. Bị bạn bè lừa dối, lợi dụng rồi quay lưng phản bội, cộng thêm tính cách trầm mặc vốn có của bản thân, họ hàng, làng xóm ngày càng dị nghị, họ thì thầm nhỏ to, nói ra nói vào, coi Dương Thiên Tú như một đứa trẻ tự kỷ, tâm thần. Nó bảo nó mệt rồi, nó không quan tâm ai nghĩ gì về nó nữa. Ngoại hình mập mạp, xấu xí chẳng sao, tính tình trái khoáy, thờ ơ ấy với nó cũng chẳng phải là vấn đề gì lớn lao cả.
Có lần, nó đã từng nói với mẹ: “Con chỉ cần người sinh ra con hiểu con, còn với người khác, cứ coi như là mắt con mù, tai con điếc, miệng con câm luôn rồi cũng được.”
Bà cố gắng giảng giải nhiều lần: “Rồi sau này, tương lai của con thì sao, con phải gặp gỡ nhiều người, không thể như thế này mãi được.”
“Cái gì tốt đến với con, con sẽ tự biết”, nó cười, “còn những gì đã ăn sâu vào máu người đời chẳng thể thay đổi được đâu. Nếu như một ngày nào đó con thay đổi, họ sẽ vểnh mũi lên mà tự đắc, rằng: con nhỏ lập dị không thể chịu đựng được cô độc, nó thay đổi vì cần chúng ta. Lũ ngạo mạn, lòng tự tôn của con chỉ chiếm một phần, nhưng con không thể dễ dàng vứt đi như thế!”
Những lời tuyệt tình cả thế gian ấy từng thuộc về một đứa trẻ mười hai tuổi, cái tuổi đáng lẽ có chút vô lo, có chút gì mới mẻ với thế giới của người lớn. Những đứa trẻ khác biết yêu, biết rung động, còn con gái bà biết ghét, biết căm thù. Lời nói năm nào, có lẽ bà sẽ tạc vào trong dạ chừng nào bà vẫn còn nhận thức.
Năm năm trôi qua, tư tưởng ấy thay đổi ra sao bà không hề biết, nhưng bà hiểu nỗi ám ảnh về sự phản bội, về sự gièm pha vẫn còn đó không hề mất đi khi nó giấu đêm thầm khóc. Nó chẳng chịu nói chuyện khi cảm nhận được sự vô bổ, và chỉ chịu mở lời khi chắc chắn không có điều gì bất lợi, số lần xảy ra điều ấy chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Bà Phương đi phía sau, dõi theo Thiên Tú và Đức Nam vui vẻ chuyện trò. Bà có mừng, điều ấy là không thể nào chối cãi, nhưng có lẽ song hành vẫn có cái gì đó bỗng bất giác dấy lên, hình như là nhức nhối, bứt rứt, lo lắng, bà không thể giải thích được.
Trực giác của một người phụ nữ, một người mẹ thường sẽ không sai.
Updated 38 Episodes
Comments