Choang…
Tiếng thuỷ tinh vỡ dưới tầng một vang lên lạnh lẽo. Nó nghe thấy, nhưng nó sợ không dám bước chân ra khỏi phòng, giả vờ rằng mình đã ngủ.
“Anh xem anh có ra gì không? Anh đi tìm luôn con khác về mà làm vợ!”
“Em thôi vô lý đi được không, ngày nào cũng thế, sống gần nửa đời người rồi mà em không thể nào suy nghĩ cho thấu đáo đi được à?”
Tiếng cãi vã của bố mẹ làm cho tai nó ù đi, nó không muốn nghe thêm gì nữa. Đã một tuần trời, không khí gia đình cứ nặng nề, u ám, chỉ toàn là tiếng đôi co lời qua lời lại. Mai là sinh nhật nó cơ mà, còn bố mẹ lại chỉ nghĩ đến cãi nhau. Nó gục mặt xuống gối, những giọt lệ cứ thế thi nhau chảy xuống ròng ròng. Đôi mắt đỏ hoen sau cùng mệt mỏi ngủ thiếp đi. Ngày sinh nhật năm nay tới đem cho Thiên Tú một tin tức chẳng mấy tốt lành: bố nó bỏ đi rồi.
Sớm thức dậy, thấy căn nhà trống trải, nó liền hỏi mẹ: “Mẹ ơi, bố đâu rồi?”
Nó nhận về một câu trả lời không mấy thoả đáng: “Tao không biết, cũng chẳng quan tâm.”
Căn nhà vốn đã ít người, giờ chỉ còn có hai mẹ con.
Gần trưa, bố gọi điện thoại về, nó chỉ đành sụt sịt: “Bố…”
“Chúc mừng sinh nhật con.” Ông Lập nói qua điện thoại, giọng nói vô cùng bình thản, “Cho bố xin lỗi. Bố và mẹ không thể nào hoà hợp, mong con hiểu cho bố.”
Nó đã tròn mười tám tuổi, đủ hiểu chuyện, đủ cảm thông: “Vâng, con biết.”
“Lúc khác bố sẽ gọi cho con sau.”
Nói rồi, ông cúp máy, để lại nó trơ trọi đối diện với sự căng thẳng của mẹ mình. Người mẹ dịu dàng của nó ngày xưa đã khác, bà nóng tính và hay cáu bẳn. Nó chỉ còn cách nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp, tránh đi những cơn giận bất chợt của mẹ.
“Cơm nước mày nấu cho chó ăn đấy à? Mày nghĩ tao nuốt nổi?”
“Ngồi ì ra đó làm gì? Bao nhiêu việc không biết đường làm. Mày ăn sung mặc sướng quen thân rồi phải không?”
Thiên Tú cắn răng chịu đựng, chỉ chờ đến tối muộn, nó mệt mỏi nằm vật ra giường. Vừa hay khi ấy, anh trai nó gửi tin nhắn đến.
“Chúc mừng sinh nhật em! Anh có bánh sinh nhật gửi em nè!”
Bánh sinh nhật của anh là tám quả trứng ốp chung được cắt làm tám phần đều đặn.
“Em tưởng anh quên rồi.” Nó trả lời, liếc nhìn thời gian, hai mươi mốt giờ ba mươi lăm phút, sinh nhật nó chỉ vài giờ nữa là qua.
“Em không biết người quan trọng nhất thì luôn chúc sau cùng sao? Chúc muộn để tin nhắn của anh được lên trên đầu tiên, chỉ cần em mở lên là thấy.”
Rồi anh áy náy nói tiếp: “Anh không về được, quà của em hẹn dịp khác nhé!”
Nó không trách anh. Sống qua thập kỷ 20 của thế kỷ XXI, không ai là không biết đến thứ virus đáng sợ mang tên covid - 19. Hà Nội những ngày ấy bùng dịch, chẳng ai có thể ra đường, anh cũng vì thế mà không thể về quê, nó cũng không được đi học ở Hà Nội và ngày ngày bám lấy anh như đã định, chỉ có thể gặp mặt nhau qua màn hình điện thoại.
Anh nhìn sắc mặt Tú không được tốt, anh bèn hỏi: “Sao thế em?”
“Không có gì đâu anh.” Nó không muốn anh lo lắng.
Hai anh em trò chuyện với nhau, dường như cũng làm nó vơi bớt đi đá tảng nặng trĩu trong lòng. Nhiều khi anh hỏi đến mẹ, nó tuyệt nhiên không nói.
Đức Nam bảo cô em giữ máy, chờ anh một lát sẽ quay lại liền, nhưng Thiên Tú ngủ gục lúc nào chẳng hay. Anh nhìn thấy nó ngủ say mà điện thoại trong tay vẫn còn cầm chặt, anh không đánh thức, lặng lẽ kết thúc cuộc gọi với em gái mình. Không thể về, anh không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng dường như con bé có vẻ mệt mỏi, anh càng nghĩ càng nóng ruột.
Mỗi sớm thức dậy đối với Thiên Tú có lẽ lại là một ngày dài.
Bà Phương kiệt sức rồi nhập viện, một mình nó lo toan. Lúc ở viện, khi lại ở nhà, nó chạy đôn đáo khắp nơi. Nhiều khi muốn gọi cho bố, nhưng sau cùng nó chẳng dám, bởi nó sợ mẹ, mẹ ép nó không được tiết lộ với ai bất cứ điều gì. Nó không nói với anh trai, cũng vì sợ anh không về được mà càng thêm lo lắng. Một mình nó chịu đựng mọi thứ, mọi thứ.
Nó xắn ống tay áo, vo gạo, nhặt rau, chuẩn bị bữa trưa cho mẹ. Trời vẫn gắt dù đã sang thu, thường xuyên đi lại khiến lúc nào nó cũng mặc một chiếc sơ mi dài bảo vệ da mình khỏi nắng gió. Vén ống tay áo lên bắt đầu làm việc, cánh tay lộ ra ửng đỏ lên vô số những vết trầy xước lớn nhỏ chằng chịt. Những khi chỉ có một mình như bây giờ, nó lại cầm dao lên, nhẹ nhàng, không một động tác thừa, cứa vào đó thêm vài đường rỉ máu. Gương mặt nó không hề biến sắc. Những vết thương ấy chỉ một hai lần đầu nó cứa thì biết đau, sau thì chẳng còn nữa, tay nó sinh ra phản ứng gây tê tự nhiên, phải ngày sau mới bắt đầu ran rát. Những lúc ấy, nỗi đau thể xác mới giúp nó tạm quên đi vết thương lòng.
Thiên Tú nấu cơm canh đầy đủ, múc từng muôi vào cặp lồng mang sang cho mẹ. Bà Phương mệt mỏi chẳng muốn ăn, lại thêm tâm lý nặng nề, bà sẵng giọng: “Gọi bác sĩ sang đây tao có chuyện cần hỏi.”
Nó ngần ngừ không muốn đi, bà lại giục: “Có nhanh lên cho tao không?”
Thiên Tú lững thững tiến về phía phòng trực ban. Nó cứ đứng thập thò không dám gõ cửa, cũng chẳng dám vào, đi đi lại lại. Vừa đưa tay ra định mở, nó sợ hãi rụt lại ngay. Hình như người bên trong nhìn thấy bóng nó liền ra mở cửa, bác sĩ trưởng khoa nhìn nó, hiền từ hỏi: “Có chuyện gì không cháu?”
Nó muốn nói, nhưng không làm sao nói được, cảm giác như có bàn tay ai bịt chặt miệng nó lại. Thiên Tú lại run lên, răng cắn chặt môi, đứng như trời trồng không biết phải làm sao cho đúng, chỉ đành quay lưng đi về phía phòng bệnh mẹ nó nằm.
Bác sĩ thật may đã quen, hiểu và thông cảm cho nó, liền ngay lập tức đi theo. Ông vào phòng nói chuyện với mẹ nó một hồi sau đó trở ra và bảo: “Ngày mai mẹ cháu xuất viện được rồi.”
Nó cúi gập người cảm kích, rạng rỡ chạy đến bên mẹ. Nhưng nụ cười của nó sớm tắt, mẹ nó thẳng tay tát và mặt nó trước mặt tất cả bệnh nhân trong phòng, không ngừng mắng nhiếc: “Khốn nạn! Mày đúng là đồ ăn hại, lỡ như khi ấy tao đang nguy kịch, thì tao chết không phải do bệnh mà là do mày đấy! Có cái việc mở mồm ra nói thôi cũng không làm nổi.”
Mọi người nhìn nó trông tội nghiệp, nhưng cũng thật đáng trách. Nó không khóc, không cãi lại nửa lời, chỉ đành đợi đêm xuống, một mình gặm nhấm cô đơn. Nó lại cầm điện thoại, nhắn tin cho anh: “Anh ơi, em buồn lắm, vừa buồn vừa thấy tự ti nữa.”
Nó vẫn luôn trách bản thân, rằng mình là một đứa con gái vô tích sự. Nó vơ lấy kim truyền nước cũ của mẹ, vốn định vứt đi, nhưng nó liên tiếp đâm vào mu bàn tay trái. Cảm thấy không thoả mãn, nó đi xuống bếp, lấy dao lần nữa rạch cổ tay mình.
“Không đau, không đau, không đau…”, nó tự nhủ, “Trầm cảm, tự kỷ thì đã làm sao chứ?”
Tâm trí nó dường như ngày càng điên loạn. Nó mệt lắm, nó không chịu nổi nữa rồi.
Chuông báo tin nhắn vang lên, là anh, anh trả lời nó. Tay phải vẫn còn cầm dao, tay trái với lấy điện thoại, máu rớm lên cả màn hình. Nó lặng lẽ lau đi, đọc tin nhắn anh.
“Chia sẻ đi, anh nghe nè. Buồn sao cứ thích một mình thế!”
Tay nó run run, con dao cầm không chắc đột nhiên rơi xuống đất. Nó giàn giụa nước mắt, miệng lại nở nụ cười. Với nó chỉ cần anh ở đó thôi là đủ.
“Anh hát em nghe cho đỡ buồn nhé!”
Giọng hát anh chẳng phải hay mê đắm lòng người, nhưng ấm áp lắm, che chở tâm hồn nó lúc này lạnh lẽo.
“Lạc vào trong cơn mơ… bơ vơ
Khi nơi đây vây kín ta là mịt mờ
Để ta đứng bỡ ngỡ… thẫn thờ
Phía xa kia ta còn ai đang đợi chờ
Lạc vào trong cơn mơ… bơ vơ
Khi nơi đây vây kín ta là mịt mờ
Để ta đứng bỡ ngỡ… thẫn thờ
Phía xa kia “em” còn “anh” đang đợi chờ…”
Updated 38 Episodes
Comments
Tiểu Sương Đào
đọc đoạn này thật sự quá buồn, những đứa trẻ vốn nên được hạnh phúc vậy mà khi còn chưa đủ tuổi trưởng thành thì đã chịu đủ đau khổ 😭
2022-08-23
0