Chương 2: Đứa trẻ kỳ lạ

Tay Nguyệt đeo một chiếc vòng vàng trắng, hoa văn phức tạp. Lúc này bỗng nóng lên, run bần bật. Nguyệt nhìn một cái, lắc lắc tay, nhỏ giọng:

- Về nhà rồi.

Như được trấn an, chiếc vòng thế mà không động nữa. Nguyệt cười cười, ánh mắt anh nhìn vào xa xăm, không biết đang nghĩ gì.

_____________________________

Chiếc xe đến đúng địa chỉ. Là một ngôi nhà của một nông hộ. Thấy xe vừa đến người trong nhà vội chạy ra đón, nhìn thấy Nguyệt thì khá sửng sốt, sau đó cũng cười ngại ngùng đón tiếp.

Nguyệt theo vợ chồng kia vào nhà. Tuấn mở cốp xe ra lấy đồ đi theo sau, trong lòng đem tên của chú mắng 1 lẻ 8 chục nghìn lần. "Đi về nông thôn có cần ra vẻ thế không?" Ai nhìn không biết lại tưởng bọn họ là đa cấp mất.

Tuy nhiên ngoài mặt cậu vẫn lạnh te tỏ vẻ chuyên nghiệp. Ngó qua gương chiếu hậu chỉnh sửa tóc tai một chút. "Ừm, quần áo kín đáo lịch sự +1; Giày thể thao +1; tóc tai gọn gàng +1; đẹp trai + 97 điểm." Tổng \= HOÀN HẢO.

Có vẻ hài lòng, gật gật đầu. Tuấn điềm nhiên không ý thức được mình nhiễm thói xấu của chú, rảo bước vào trong.

Nguyệt bên trong, đang nói gì đó với khách hàng. Chốc lại đi loanh quanh nhìn ngó, mở la bàn ra xem, một lát lại bấm đốt ngón tay. Sau một hồi suy tư, miệng phun nghe được bốn chữ:

- Phong thủy không tốt.

Đạo pháp hay trừ tà gì đó Tuấn biết chắc rằng chú mình là dân chuyên nghiệp. Thế nhưng mấy trò lố bày ra thì hoàn toàn là làm màu. Chủ yếu để tăng độ tin cậy cho khách hàng. Bởi vì họ sẽ không tin có một ông "thầy cúng" cầm cái chày gỗ đập con ma cộp một cái, thế là xong.

Con người mà, càng huyền bí thì họ càng cho là lợi hại. Đơn giản quá thì họ lại không tin. Vậy nên ông chú mới bày vẽ "làm phép" rồi "cúng bái". Nhờ đó mới có thể ngồi trong nhà điều hoà, có ô tô mà đi chứ? Mặc dù nhà cũng không phải mua, xe cũng vậy. Đều là tài sản duy nhất ông nội tặng. Có chăng thì chú cũng chỉ phải lo tiền đổ xăng thôi. Chậc.

Nguyệt bảo cháu Tuấn để đồ chỗ sạch sẽ rồi tùy tiện đi đâu thì đi. Cậu cũng rất nghe lời huýt sáo ra cổng, một lát đã không thấy đâu.

Người đàn ông cười nói tên là Hoà, rót nước mời khách, bắt đầu giãi bày:

- Tôi sống ở đây cũng lâu lắm rồi. Căn nhà là của ông cụ để lại.

Ông Hoà bưng chén nước vừa rót đưa cho Nguyệt:

- Mời cậu.

- Bác cứ để cháu tự nhiên.

Nguyệt đỡ chén nước chè nóng để xuống bàn, cười nói:

- Cháu quen uống nguội rồi. Bác cứ nói tiếp đi.

Ông Hoà cũng thấy Nguyệt dễ nói chuyện, thở phào nhẹ nhõm. Từ lúc nhìn thấy cậu trai ăn mặc sang trọng này xuống xe, ông hơi áp lực, cười xoà nói:

- Sống ở đây cũng mấy chục năm rồi. Chúng tôi trước khó ăn, sau khó con. Ông trời thương cho, bốn chục tuổi đầu mới có cậu con trai. Cháu nó xinh xẻo, kháu khỉnh lắm. Năm nay nó 12 tuổi rồi, đang theo học trường cấp 2 trên huyện.

Kể tới đây, ông Hoà mặt buồn rầu. Người vợ bên cạnh im lặng vành mắt đã đỏ hoe lúc nào. Nguyệt trấn an họ:

- Hai bác cứ bình tĩnh, kể rõ cho cháu đầu đuôi ngọn ngành. Bác cứ yên tâm, cháu sẽ giải quyết vấn đề đâu vào đấy.

Khuôn mặt bà vợ như sáng sủa hẳn ra. Bà quệt nước mắt, cầm tay của Nguyệt rất chặt, nói:

- Trăm sự nhờ cậu giúp cho.

Thế rồi, người vợ kể tiếp:

- Khoảng nửa năm gần đây, thằng nhóc nhà tôi gặp chuyện gì đó lạ lắm...

Theo lời kể của vợ ông Hoà, bà Tám, chuyện kỳ lạ xảy ra đến giờ cũng gần nửa năm. Con trai ông bà là một thằng nhóc hoạt bát, hiếu động, học hành cũng thuộc dạng khá. Bạn của thằng bé có vài nhóc xêm xêm tuổi, hôm nào không đi học là lại í ới rủ nhau đi chơi. Mấy thằng ranh mải chơi, thường trốn ngủ trưa. Thi thoảng bà Tám phải đi tìm, kéo tai về bắt ngủ.

- Thương nó lắm, nó nghịch phá mà có nỡ đánh, nỡ mắng đâu. Mấy thằng con con rủ nhau ra đồng đào trộm khoai, bẻ ngô nhà người ta, khi thì đi trêu chó. Có khi chúng nó rủ nhau tắm sông, lúc biết được tôi sợ run người, chỉ lo con đuối nước. Giờ ở huyện có mở một quán điện tử, trẻ con thích lắm. Thằng con tôi thi thoảng cũng xin 2 nghìn đi chơi, tôi cũng không cấm nó...

Nguyệt ngồi lắng nghe câu chuyện chăm chú, thi thoảng còn gật gật đầu, cầm điện thoại gõ gõ gì đó xong lại để lên bàn, tiếp tục nghe.

- Bây giờ thì, chú theo tôi xem tận mắt mới thấy được. Tôi...cũng không biết... phải nói như nào nữa.

Bà Tám lại khóc, quệt nước mắt, đứng dậy đi vào trong buồng. Ông Hoà và Nguyệt cũng theo sau. Vén cửa buồng bằng vải ra, một mùi nồng xộc ngay vào mũi.

Nguyệt hơi nhíu mày, nhưng cũng không tỏ ra ghét bỏ. Ông Hoà nhìn biểu cảm của Nguyệt thay đổi, áy nãy xin lỗi. Nguyệt xua tay cười xoà tỏ ý không sao, đồng thời ánh mắt đưa khắp nơi đánh giá.

Căn buồng nhỏ kín mít. Cửa sổ phai hết sơn, chốt dùng dây thép buộc loằng ngoằng, có vài vết cào ở mặt trong, trông như móng dã thú.

Một tủ gỗ quần áo xập xệ, có vài bộ quần áo lao động treo bên trên, mấy bộ mặc ở nhà thì bừa bãi dưới đáy tủ.

Tách một cái, ông Hoà bật công tắc điện lên, cả căn phòng như sáng hơn gấp mấy lần. Bóng đèn sợi đốt toả ra ánh sáng vàng nhu hoà, nhưng lại khiến bức bối hơn vài phần. Có ánh sáng, thấy rõ mặt trong của tủ có vết cào, y hệt trên cửa sổ, cũng là mặt trong cánh tủ, bản lề tủ như sắp bung ra.

Trong góc phòng là một góc học tập với bàn ghế gỗ, tuy cũ kỹ nhưng trông khá chắc chắn. Nguyệt đến gần cái bàn. Bên trên bừa bộn là sách vở. Mở một quyển vở ra còn thấy chữ viết bên trên rất nắn nót sạch sẽ. Trên bức tường toàn là giấy khen. Một tấm ảnh để trên mặt bàn, là ảnh chụp của cậu bé. Một cậu nhóc da ngăm ngăm, mắt sáng rõ, cười toe toét, giơ 2 ngón tay thành hình chữ V ra để tạo dáng.

Nguyệt rời mắt khỏi bức ảnh, bước về phía chiếc giường trong căn buồng. Càng gần mùi khó ngửi càng nồng nặc. Như là mùi phân, mùi nước tiểu, mùi thuốc đông y, còn có thoang thoảng mùi máu. Bà Tám rón rén vén tấm màn lên, ngó ngó vào trong, thở phào, nói với giọng nhỏ nhẹ:

- Nó ngủ rồi.

Ông Hoà gật đầu, đứng ra góc nhường cho Nguyệt đến gần. Nguyệt cầm góc màn đẩy ra cho rõ. Ánh mắt anh khoá chặt vào đứa trẻ đang co ro ở góc giường. Mắt nhắm chặt như đang ngủ, nhưng đôi lông mày lại nhăn nhúm khó chịu. Cậu bé ôm một cái gối đầu. Cánh tay teo tóp không phù hợp với tuổi, làn da xanh xám kỳ lạ, mắt trũng sâu, bọng mắt thâm đen, môi tím bầm. Cơ thể bốc ra mùi chất thải nồng nặc. Nguyệt nói:

- Nhóc nhà bác có tự đi vệ sinh được không ạ?

- Nó tự đi được đấy. Tuy rằng, nó không bình thường. Nhưng mà đi nặng, đi nhẹ nó tự đi được. Cái bô đậy nắp trong kia kìa, còn cái mùi kia...

Dừng một chút, ông Hoà nói tiếp:

- Nhà tôi đều lau rửa cho con mỗi ngày, nhưng cái mùi này thì không tài nào hết được, cũng không hiểu tại sao.

- Bác có mang con đến bệnh viện không?

Ông Hoà cao giọng nói:

- Có chứ. Có đi viện chứ. Lạ là, đến viện rồi người ta khám nọ, khám kia, rồi hút máu ra thử. Nhưng mà, kết luận hoàn toàn bình thường. Còn mùi thì, đến bệnh viện không còn mùi nữa, về đến nhà lại có mùi. Tôi đổi nhiều nơi khám cho con, nhưng họ lại nghĩ tôi có vấn đề.

Ông Hoà nói bằng giọng mệt mỏi, nếp nhăn trên khoé mắt như dài hơn. Gương mặt người đàn ông khắc khổ phiền muộn. Mới ngoài 50 mà trông như 60 70 tuổi. Tóc cũng đã bạc nửa đầu rồi. Ông nhìn Nguyệt với ánh mắt hy vọng:

- Tôi mang cháu khắp nơi chạy chữa, giờ cũng chỉ đành...nhờ cậy vào cậu thôi.

Ông bám vào vai Nguyệt, giọng khẩn thiết:

- Cậu ơi! Cậu cứu con tôi với! Nhà tôi cũng chỉ có duy nhất thằng bé. Nó có mệnh hệ gì thì...thì...tôi cũng không muốn sống nữa.

Ông Hoà rơm rớm nước mắt, bà Tám cũng ở bên cạnh khóc lóc như mưa. Nguyệt nhỏ giọng trấn an hai người.

Thằng nhóc vẫn ngủ ngon lành đã lật người, mắt đã mở. Đôi tay giấu trong chiếc gối giờ lộ ra. Các đầu ngón tay đều quấn bông gạc, có ngón còn thấy máu thấm ra ở bên trong. Thằng bé nhìn Nguyệt chằm chằm, không nói năng, cũng không bộc lộ cảm xúc gì. Nguyệt xoay đầu nói:

- Lúc này trông cậu nhóc rất ngoan.

Bà Tám nín khóc, ôm con trai, xoa xoa đầu. Cậu bé nhu thuận nép vào người mẹ. Tò mò đánh giá người đàn ông lạ trong phòng. Ngón tay bị thương định đưa lên miệng bị bà Tám cản lại, bà hỏi con trai:

- Trưa nay con muốn ăn gì nào? Nay mẹ mua thịt về làm chua ngọt nhé?

Cậu bé nhu thuận gật đầu. Ông Hoà đứng cạnh đó cũng giãn mặt mỉm cười. Tuy nhiên, sâu trong ánh mắt đứa trẻ lại không có ánh sáng. Nhìn kỹ thật giống mắt con cá chết. Nguyệt kéo ông Hoà ra buồng ngoài, hỏi kỹ tình trạng đứa trẻ. Ông Hoà nói:

- Ban tối nó sẽ phát điên. Nhà chúng tôi sẽ chốt cửa. Trước nhốt nó vào tủ, nó cào sắp bung cái cửa ra rồi. Giờ đến tối đêm là vợ chồng tôi phải canh cháu. Để chạy mất là tìm rất khó. Còn phải giữ cho cháu nó không bị thương. Vậy, cậu đã phát hiện ra cái gì chưa?

Nguyệt sờ sờ vòng tay mát lạnh, lắc lắc đầu, nói:

- Trong nhà của bác chưa thấy gì.

Nguyệt thay đổi sắc mặt, giọng nói nặng nề vài phần:

- Hiện tại chưa có.

…………………………………………………………

Tuấn ngồi ở quán nước nhỏ, tám chuyện nhiệt tình với chị hàng nước đang thoăn thoắt ép mía. Chị cười cười bảo:

- Gái nhà chị mà lớn hơn 10 tuổi nữa ý, có khi chị gả nó cho em đấy. Tiếc là giờ nó mới học mẫu giáo. Dồi ôi! Người gì đâu vừa đẹp trai lại còn khéo ăn nói nữa chứ.

Mấy bà cô ngồi trong quán cũng hùa theo trêu ghẹo. Tuấn đẩy gọng kính, lễ phép đáp lời, thi thoảng còn bày trò hài hước khiến các cô bác cười phơ phớ.

Chiếc điện thoại trong túi kêu "tinh" một cái. Tuấn nhìn qua đoạn tin nhắn, sắc mặt dần trở nên u ám.

Hot

Comments

Trúc Tư

Trúc Tư

câu này nghe quen này

2022-10-08

4

Trúc Tư

Trúc Tư

tí nữa sẽ có

2022-10-08

4

Toàn bộ

Download

Bạn thích tác phẩm này? Tải APP để không mất lịch sử đọc.
Download

Phúc lợi

Người dùng mới tải APP nhận mở khóa miễn phí 10 chương

Nhận
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play