“Uả Nhựt ? Sao mấy nay ông Tư không thấy bây ở nhà ?”
“Dạ con có chút chuyện dìa nhà giải quyết thôi ông Tư, trên trường có sự kiện á.”
Ông Tư hàng xóm tặc lưỡi xua tay: “Ui ! Học với chả hành ! Tao nghe mày trên đó học cũng không có giỏi giang xuất sắc lắm, thôi thì mày về đây nuôi cá trồng rau sống qua ngày cũng ổn rồi, học chi lắm !”
Nhựt đặt chậu cây hoa trang nặng trịch xuống một góc sân, sát với bờ rào, vừa tỉa cành vừa đáp: “Ông Tư nói gì kì quá ông Tư ơi ! Con học trên đó là má con nuôi con cho con đi học, giờ con không học thì đâu có được đâu.”
Ông Tư nhăn mày càm ràm: “Mày nói nghe hay lắm ý ! Mày có biết mấy ngày mày đi lo ba cái việc lớn của mày mà má mày bả đóng cửa không tiếp ai không ? Chỉ có con bé Ba đầu xóm nó thân quen, thêm cả thân đàn bà lui tới tiện hơn nên nó mới chăm được bả đó ! Làm con cái chữ hiếu nó hơn chứ !”
Nhựt nhún vai bỏ ngoài tai lời trách móc của ông. Không phải cậu vô tâm nhưng chuyện cậu đi vắng thì trong xóm chỉ có má với cậu là biết rõ, còn lại đều bị lời nói dối rất chân thật với chị Ba và nhờ tài buôn dưa lê bán dưa chuột của chị. Ai cũng tin, chỉ có ông Tư mặt nặng mày nhẹ, trưng ra gương mặt vốn đã nhăn nheo đồi mồi nay lại càng nhăn nheo hơn nữa làm cả xóm sợ khiếp hồn.
Kể cũng thật tình, ông Tư vốn là dân buôn, từ nhỏ sống kham sống khổ, không có điều kiện học hành đàng hoàng nên trải đời sớm, hiểu sớm, biết sớm, cũng lanh lẹ, ranh ma sớm. Thời đó Nhà nước ban sắc lệnh xóa nạn mù chữ cho dân để tiện bề tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước nên ông mới được học chữ Quốc Ngữ. Sau khi viết được, đọc được thì ông bỏ hẳn, rời quê ráng lên phố làm ăn. Người con đất miền Nam, lại còn là miền Tây thì dễ sống hơn trên phố lớn vì máu hào sảng, ăn nói tốt, lại thêm kinh nghiệm hồi còn lông ba lông bông ở mấy khúc chợ bên sông, làm ăn qua lại lâu dần thì ông Tư rất được lòng mấy ông chủ vựa trên tỉnh nên ăn nên làm ra, của ăn của để trong nhà phải nói là giàu nhất cả cái huyện chứ đừng nói chỉ một cái làng nhỏ bé.
Bởi cái thành tích “ít học cũng giàu” nên ông Tư rất coi thường việc con trẻ học tập bù đầu bù tai như bây giờ, thêm cả hồi nhỏ ba má ông lại đi sớm, giờ chẳng vợ con gì nên ông ham được một gia đình hơn hết thảy bao người ngoài kia. Đối với ông, học lắm lại bay xa lắm, chẳng lo được cho mẹ cha, ở nhà nuôi cha nuôi mẹ báo hiếu vậy phải hơn không. Bởi lý lẽ ấy mà khi nghe Nhựt nói chuyện học hành mà lại để bà Xuyến một mình, ông cứ mặt nhăn mày nhó mãi
“Mà tao hỏi nha, cái thằng nào sáng giờ tao thấy nó cứ lởn vởn trong nhà mày hoài vậy ? Lạ hoắc à ?”
Ông Tư chỉ tay về phía cuối sân trong, khuất sau tàn cây rậm rạp, Nhựt ngó mắt nhìn theo, “à” lên một tiếng: “Ảnh vừa từ trển xuống, hôm qua con về là con dắt ảnh về đây luôn.”
“Nó bạn mày hả ?”
Nhựt cảm thấy mình hơi chột dạ, đảo mắt lảng đi: “À thì…bạn thiệt đó ông Tư…”
“Thiệt hông đó mày ? Chứ tao nhòm cái bộ dáng thằng đó không chín chắn tý nào.”
Ông Tư xoa cằm phán xét người đàn ông đang thong thả tưới cây, mặt nhăn nhúm lại, mắt sáng lên thể hiện cái điệu bộ tinh tường của người đã qua nhiều lần tuyển chọn nhân công.
Nhựt gượng gạo gãi đầu: “Không chín chắn á hả ? Ủa sao ông nhìn đâu ra hay vậy?”
Ông Tư đắc ý chép miệng: “Trời ! Tao là tao thấy nhiều rồi, mấy thằng làm chỗ tao lúc nào chả nhìn lũ con gái trẻ người non dạ như chó đói thấy xương ? Tao lại chả rành quá.”
Nói đến chỗ ông đang làm chủ, phần lớn đều là trai trẻ tầm từ mười lăm đến hai mươi tám, làm thì làm nhiều mà chuyện trò tán gái cũng nhiều nốt. Có xưởng gỗ của ông Tư ngay trong chợ, sát chỗ mấy cô dì bán hàng nên thành ra được dịp cho mấy ổng thích thú trêu hoa ghẹo bướm. Hồi chị Ba là con gái cũng bị mấy ổng chọc đỏ cả mặt, sau này chị lấy chồng nên đỡ hơn. Nghe đâu là chồng chị tức ứa gan cảnh chị bị trêu nên xông vô đập ông mở đầu bày trò. Kết quả là ông Tư phải hết lời xin lỗi gia đình chị Ba, còn phải lo thuốc men cho người bị đánh, tự nhiên ngồi không cũng phải đau đầu mất một mớ tiền.
Sau lần đó mấy ông thần đó có tém lại nhưng máu vô duyên thì không bỏ được. Có mấy lần Nhựt đi ngang qua cũng bị mấy ổng chọc hoài, trêu là có bạn gái chưa ? Có bồ chưa ? Lớn tồng ngồng rồi khi nào lấy vợ ? Lâu dần rồi cũng quen, cậu lơ luôn. Nhưng cũng cảm ơn lời hỏi thăm rất nhiệt tình của mấy ổng để rồi giờ người cậu lấy không phải là “vợ” mà là “chồng”!
Nhựt bĩu môi:“Chứ không phải ông Tư cũng vậy hả ?”
“Thằng quỷ con ! Coi ăn với nói đó ! Mày là mày ngoáy tao hơi bị nhiều rồi đó nghe ! Hỗn là tao méc má mày đó !”
Ông Tư giận lẫy dậm chân cằn nhằn than trời thán đất, cậu ngồi cạnh hàng rào cắt cành chỉ lè lưỡi bịt tai. Chủ sao thì tớ nấy, tưởng cậu không biết hả ? Hồi ăn nên làm ra ổng cũng là tay chơi khét tiếng tận trên tỉnh, vì một vụ gì đó mà tiếng tăm vang xa đến tận vùng quê này.
Bà Xuyến từ trong nhà nghe ồn ào cũng tò mò ngó ra, tự hỏi nhờ thằng con làm có tí chuyện mà sao lùm xùm thế. Ngó thấy người đàn ông đứng tuổi đang hết lời với con trai, bà cũng xỏ dép đi ra: “Sao ông Tư với thằng Nhựt nhà tui nó chuyện gì mà ồn vậy ?”
Ông Tư như gặp được cứu tinh, bắt ngay lấy thời cơ tố giác: “Đó đó đó ! Cô Xuyến coi đó, thằng Nhựt nè, nó hỗn quá trời ! Tui có chọc cái gì nó đâu mà nó đáp thấy tức ghê hông !”
Bà ngạc nhiên:“Ủa rồi hai ông cháu nói chuyện chi mà cãi nhau ?”
Nhìn ra vẻ mặt đắc chí của ông Tư, lại nhắm thấy tình hình không ổn, Nhựt vội phân bua: “Có cãi gì đâu má ! Ông Tư nói chứ con có nói đâu !”
Ông Tư chớp ngay: “Đó đó đó ! Cô thấy chưa ! Thằng nhỏ cãi nhem nhẻm luôn !”
Bà Xuyến nghe hai bên vừa biện hộ vừa tố giác nhau chỉ bất lực cười xòa. Hai ông cháu này từ xưa đã vậy, như khắc khẩu nhau, bốp chát liên miên, chuyện nhỏ chuyện lớn gì cũng thấy hai người chọc một câu, kháy một câu, tưởng là cạch mặt mãi về sau thế nhưng lại thân thiết đến độ người già kẻ lớn vẫn lắm lời không ngớt. Chủ đề cho hai bên “bàn luận”luôn là những câu chuyện rất xàm xí, rất cụt lủn nhưng lại rất dễ gợi những tình tiết đáng để cả hai nhảy vào xỉa xói. Trẻ con đến thế là cùng.
Thế mà kể ra thì hai người cũng thương nhau lắm chứ không phải ghét bỏ gì nhau đâu. Lúc nhỏ Nhựt bệnh hay ngã đâu đó thì ông Tư là người ứng cứu đầu tiên, còn nếu ông Tư mà không có nhà vì công việc thì Nhựt lại chán ủ rũ cả ngày vì chẳng có ai cãi nhau cùng. Bà Xuyến coi màn đấu khẩu này hơn chục năm nay rồi, chán chả muốn nói !
Bà xua tay: “Trời ơi Tư có tuổi rồi thì chấp thằng chi cho cực vậy ? Mình lớn mình kệ nó đi.”
Ông Tư tất nhiên không chịu thua, ông đập tay lên thanh tre hàng rào, giọng trầm xuống như đang kể chuyện: “Tui là tui không có thèm chấp đâu ! Nhưng mà ý, tui hỏi nó cái thằng…đó đó, chỗ kia kìa, đang tưới cây đó ! Tui hỏi nó là thằng nào, thì nó bảo là bạn nó, tui thấy mặt thằng này cứ hắc ám kiểu gì ý, âm âm u u, còn theo tận thằng Nhựt về đây, ủa sao phải vậy ? Tui thấy không yên tâm rồi đó.”
Bà Xuyến xém thì bật cười thành tiếng, bà chỉ tay về phía Tịch Dương: “Trời ơi ! Nói thế tội chết ! Thằng nhỏ là bạn trai thằng Nhựt chứ có phải là bậy bạ gì đâu mà ông cứ…”
“Hả ? Bạn gì cơ ?”
Thấy ông Tư ngớ người ra như tượng, bà Xuyến nhắc lại: “Bạn trai !”
Ông Tư như nghe sét đánh ngang tai, mắt trợn lên, tinh thần hoang mang tột độ: “GÌ ?!!! Ủa cô xạo tui đó hả ! Giỡn hông có dui nha !”
“Tui giỡn ông làm cái gì ? Nếu không phải thì thằng nhỏ về đây làm gì ? Rảnh quá về chơi thôi hả ? Hôm nay nó ra mắt tui đó ông ơi !”
Một khoảng trời như sập cái rầm ngay bên cạnh người đàn ông đang cận kề với tuổi già, não bộ xoay vòng vòng, mắt mở tròn đảo hết từ má sang con, sau đó lại đảo đến người đàn ông không biết từ lúc nào đã quấn gọn ống nước vào một góc rồi lững thững đi tới. Ông không khỏi hoài nghi nhân sinh cuộc đời, hỏi xem mình đã bỏ sót điều gì về hôn nhân trong mấy chục năm sống trên đời này hay không. À thôi, khỏi đi, ông có đã có vợ đâu mà nói về hôn nhân !
Ông khua tay loạn xạ thể hiện tâm tình đang hỗn loạn như mớ bòng bong:“Đùa hả ?!! Sao…sao lại có chuyện kì…à lạ lùng vậy được !!! Nhựt nó là…con trai…mà con trai thì…”
“Thì sao hả ông Tư ?” Nhựt chồng cằm, hả hê hỏi lại.
“Thì…thì nó…nó kì đó !!! Tao nói…mày á, mày là con đàn ông con trai ! Mày phải lấy vợ sinh con…sao lại…”
Đang tính nói thêm thì ông ngưng bặt, mặt nhăn nhúm lại khi nhìn thấy nụ cười rất quái dị của người đàn ông đứng sau lưng bà Xuyến.
“Dạ ông cứ nói đi ạ.”
Người đó đưa tay về phía trước, mời ông Tư nói tiếp, ông lại mím chặt môi nhất quyết không phát ngôn thêm gì nữa.
Nhựt ngồi dưới đất ngước lên nhìn anh, nhích đến với lấy bàn tay kéo anh ta ngồi xuống cạnh mình, cánh tay vòng qua bắp tay rắn chắn, ôm cứng ngắc, cười thích chí khoe khoang: “Ông Tư thấy sao ông Tư ? Đẹp trai lắm đúng hông ?”
Ông Tư thề rằng ông đã rất kiềm chế, không muốn thể hiện bất kì cảm xúc tiêu cực nào nữa…cho đến khi thằng ranh này cười thêm một điệu cười trêu ngươi rất gợn đòn.
“Đẹp…đẹp cái đầu mày !!! Thích trêu không !!! Đồ con nít quỷ !!!”
Quả nhiên ông Tư không thể nghẹn cục tức với thằng nhóc ranh này được, nhìn cái mặt nó ngông lên mà thấy ghét ! Ông chả quan tâm người xa lạ kia có tiếp xúc với giao diện của mình bằng nụ cười thương hiệu kia hay không nữa, cái ông muốn làm nhất bây giờ là xách cây roi mây mà ngày xưa ông hay dùng để vụt cái thằng ranh quậy như quỷ này. Đừng trách ông ác, mày xứng đáng con ạ !
Tình hình nhìn vẻ "ổn", bà Xuyến rất hồ hởi giới thiệu anh con rể với danh nghĩa “bạn trai” của con trai. Có trời mới biết bà đã phổng mũi đến thế nào.
Tịch Dương lễ phép cúi đầu: “Con chào ông Tư, con tên Tịch Dương, lần đầu con về đây nên có gì không phải con mong ông bỏ qua.”
Ông Tư giật giật khóe môi: “Ừ…ừ…cậu có làm gì không phải phép với tui đâu.”
Người trong cuộc đã lên tiếng thì ông cũng đành phải đáp lại. Ông cố gắng lảng tránh người đàn ông tên Tịch Dương kia bằng cách lái sang một chủ đề nói chuyện mới với má Nhựt.
Tịch Dương rất hài lòng thu lại khóe môi bị cong đến bất thường, đầu ngả sang một bên tựa vào vai Nhựt-người vẫn chuyện trò rôm rả như chẳng có chuyện gì đã xảy ra trước đó.
…
Mãi một tiếng sau bà Xuyến với ông Tư mới thôi chuyện vì ông lấy lý do phải về nhà nấu cơm trưa, bà Xuyến cũng quay ngược trở lại nhà nhưng không phải xuống nhà bếp mà là ngồi vào vị trí ghế đá còn trống trong sân, ngay đối diện cặp vợ chồng vì chán mà rời đi né chuyện người lớn.
“Ông Tư ổng sắp đi nữa kìa, mày thân với ổng, có muốn hỏi thăm gì ổng không ?”
Nhựt nhún vai: “Lúc nào ông Tư chả đi mà má cứ lo, ổng đi rồi ổng về thôi á mà.”
Bà Xuyến lắc đầu: “Không đâu, ổng giờ cũng năm mươi bảy rồi đó, sức khỏe ổng cũng yếu đi rồi. Hồi nãy ổng tâm sự với má ổng có ý định ở luôn trên tỉnh để dưỡng già, tiện thăm khám, giờ bệnh xương khớp hành cho đi lại khó lắm.”
Tịch Dương bật cười, vừa gỡ mấy cánh hoa rụng trên cây xuống tóc cho vợ, vừa cảm thán: “Này mới đúng là lạ nè má, có mấy ai trên đời lại đi chọn thành phố làm nơi an dưỡng tuổi già đâu ? Ổng không có vợ con mà còn đơn độc trên đó thì sống sao nổi?”
“Bởi mới nói, ổng trước giờ kì lắm. Có lần má nghe đâu ổng lên núi rừng gì đó…tìm cái gì đấy, má không nhớ nữa, hình như cũng buôn gỗ thôi ấy mà. À mà má nghe đâu ổng giàu lên là từ chuyến đi đó đó ! Khiếp ! Đúng là gặp thời.”
Nhựt khó hiểu quay sang Tịch Dương, thấy anh cũng hơi nhíu mày để tâm đến câu chuyện phát tài của ông Tư, cậu thắc mắc: “Con tưởng ông Tư giàu vì quen được mấy mối làm ăn trên tỉnh ?”
Bà Xuyến gõ trán cố nhớ lại chuyện ngày xưa rồi lại lắc đầu, bà chẳng nhớ rõ nữa.
“Này má không biết đầu đuôi sao, nhưng ban đầu ổng cũng làm ăn dữ lắm nhưng gia cảnh không tới nỗi đồ sộ như giờ đâu, cũng chỉ hơn gia đình bình thường chút xíu, nhưng tầm tầm sau khi rầm rộ chuyện ổng bán được cái gì mà…báu vật…gì gì đó mà giàu phất lên như diều gặp gió. Có người bảo chuyện tào lao, có người bảo có thật, nói chung rối lắm. Mà thôi kệ đi, mình chẳng liên quan.”
Nói rồi, bà chống bàn đứng dậy, không quên nhắc: “Nhớ qua được thì qua đó, hàng xóm với nhau thì hòa thuận vô, đừng cãi lộn với ông Tư làm niềm vui nữa ! Dương, con đi theo luôn đi, canh nó giúp má !”
Chẳng chờ Nhựt mở lời, Tịch Dương đã đáp rất uy tín: “Vâng !”
Khi thấy má đã vô tận trong nhà, Nhựt bĩu môi nhéo mạnh má chồng: “Anh tài lanh quá !”
Tịch Dương cười cười gỡ tay vợ, ánh mắt lia đến một góc khuất dưới tàn cây rợp bóng ngoài cổng, hất cằm: “Có khách tới chơi nhà kìa.”
Cậu giật mình quay phắt người ra cổng: “Ai cơ?”
Một cơn gió nhẹ thổi qua, tung lên những tán cây che nắng, một bóng đen cao lớn dần hiện rõ. Hắn diện một bộ hắc phục đối lập hoàn toàn làn da trắng bệch. Ngũ quan mềm mại, vừa ma mị, vừa lém lỉnh, khóe môi cong lên một nụ cười tươi rói, tay xoay xoay cây cọ viết thư pháp, đồng tử đen láy sáng lên dưới bóng cây như một con mèo ranh ma và hoang dã.
“Đừng nói quên ta rồi nha !"
___________________________________
Updated 21 Episodes
Comments
✨Bà Hoàng Hào Nhoáng✨
Ông tư said: trùi đất ưi, bà ns thiệc hả bà Xuyến?
2025-03-01
0
Dương Ánh Linh
lớn rùi mà chơi trò mách phụ huynh ngta là sao zậy=)))
2024-06-08
2
Lý Nhã Kỳ
buôn gỗ mà nhớ tới ông Trai trong tiểu thuyết khế ước bán dâu á
2024-05-10
1