Ánh Trăng Và Gió Tây
Sài gòn, năm 1920
Hai Khiêm và ba Khánh bước xuống tàu sau 3 năm du học Pháp về. Cả hai thấy bến cảng hôm nay đã có ít nhiều thay đổi so với ngày cả hai bước lên tàu sang Pháp.
Ngày đó, sau khi mợ hai Thùy, vợ của cậu hai Khiêm mất do khó sinh, một xác hai mạng, dù đây là hôn nhân sắp đặt nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng khiến cậu hai Khiêm buồn bã. Sau mãn hạn 49 ngày, ông bà Hội Đồng quyết định để hai Khiêm và ba Khánh sang Pháp du học, một là để cả hai học hỏi được thứ hay ho của người Tây, hai là để cậu hai phần nào vơi được nỗi lòng.
Ba Khánh hít một hơi thật sâu cái không khí vừa lạ vừa quen của Sài Gòn.
-Cảnh vật ở đây thay đổi nhiều quá anh hai.
-Ừm, hồi trước cha đề thư kêu là có gia nhân lái xe đến rước mình về nhà, em ngó chừng xem có thấy ai không?
Cả hai đứng lóng ngóng thì có một chiếc Renault Type EF chạy đến, đây là loại xe mua từ Pháp về thuộc loại sang trọng bạc nhất lúc thời bấy giờ, chiếc xe trông như một con thiên nga đen nổi bật giữa đường xá Sài Gòn, thân xe dài, phủ màu đen huyền, sắc nét dưới ánh nắng ban trưa, nắp capo xe phía trước nhô cao, phía trên là logo được mạ bạc sáng loáng, hai chiếc đèn pha lớn phía dưới tạo thành một điểm nhấn độc đáo cho xe. Chiếc xe dừng trước mặt hai người, tài xế bước xuống cúi người chào:
-Dạ để hai cậu đợi, hai cậu để con chất hành lí lên xe, ông bà Hội Đồng đang mong hai cậu lung lắm!
Cả hai đưa hành lí cho tài xế sắp xếp, còn bản thân thì ngồi vào xe. Ba Khánh chậc lưỡi:
-Hình như người quê mùa ở đây là hai anh em mình, cha dạo này chịu chơi thiệt!
Hai Khiêm nghe cậu em nói vậy cũng buộc miệng bật cười:
-Haha, lâu quá chưa bị cha cho ăn roi nên móc mỉa cho ổng nghe đi he.
-Thôi tha. Ba Khánh nhún vai, ra vẻ giả vờ sợ hãi.
Xe bắt đầu lăn bánh, nhà cửa phố thị bắt đầu thưa thớt dần, độ chừng chạy cũng mấy tiếng xe rẽ vào con đường đất đỏ, khói bụi tung phủ mù mịt. Chẳng mấy chốc những cánh đồng bạt ngàn dần hiện ra trước mắt cả hai. Cái khung cảnh thanh bình quen thuộc của vùng quê.
Dưới cái năng oi ả của mùa hè, vùng Long Xuyên vẫn là mảnh đất màu mỡ, lúa gạo bạt ngàn. Chiếc xe băng băng trên đường, thoáng đã thấy dinh thự Hội Đồng Hoàng nằm tách biệt giữa đồng lúa bát ngát. Cái cổng sắt cao vút được sơn màu đen tuyền, hàng cau thẳng tắp như những lính gác vô hình, bảo vệ gia sản và danh tiếng nhà họ Hoàng qua nhiều thế hệ.
Chiếc xe hơi Renault cổ kính từ từ dừng bánh trước cổng chính của nhà ông Hội Đồng Hoàng. Từ xa, căn nhà gạch đỏ với mái ngói âm dương vẫn nổi bật trên vùng đất rộng lớn được bao quanh bởi vườn cây ăn trái. Hai hàng cau trước sân đứng thẳng tắp, bên dưới là luống hoa mười giờ tím hồng nở muộn.
Bà Hội Đồng đứng trên bậc thềm cao, dáng vẻ uy nghi trong tà áo dài the màu thiên thanh thêu nhẹ chỉ bạc ở tà. Mái tóc được búi gọn sau gáy, đôi mắt sắc sảo lướt qua chiếc xe vừa dừng, bên cạnh bà là hai gia nô đang đứng đợi sẵn. Bà khẽ bảo chị bếp đứng cạnh:
“Ra mà gọi tụi nhỏ coi, cậu Hai, cậu Ba về tới rồi. Dặn tụi nó lo hành lý cho gọn, coi bộ trời cũng muốn tối.”
Cửa xe vừa mở, cậu Hai Khiêm bước xuống trước. Bộ âu phục may đo khéo léo càng làm nổi bật vóc dáng cao lớn, nét mặt điềm đạm, ánh mắt nghiêm nghị nhưng có phần mỏi mệt sau chuyến đi dài. Khiêm tháo găng tay trắng, bước lên bậc thềm, cúi đầu chào:
“Thưa má, con mới về.”
Ngay sau Khiêm, cậu Ba Khánh bước xuống, mái tóc hơi chải lệch bóng mượt, chiếc nơ cổ ngay ngắn trên bộ vest kẻ sọc trẻ trung. Gương mặt tươi tắn của Khánh thoáng nét tinh nghịch nhưng vẫn lễ phép:
“Thưa má, tụi con về trễ. Má có đợi lâu không?”
Bà Hội Đồng nhìn hai đứa con, đôi mắt thoáng qua niềm tự hào khó giấu. Bà bước xuống, giọng ân cần nhưng vẫn giữ sự đoan trang:
“Má đợi cũng đâu có lâu. Về được là mừng rồi. Cha bây ở trong nhà, coi bộ trông bây lung lắm.”
Những gia nhân trong nhà đã tụ lại, người đỡ hành lý, người mang thùng quà từ Paris mà hai cậu đem về. Họ thầm trầm trồ về hai cậu chủ: một người thì chững chạc, nề nếp; một người thì lanh lợi, hoạt bát, cả hai đều tỏa ra phong thái của những người từng “ăn học Tây”.
Gian nhà chính được xây kiểu Pháp kết hợp kiến trúc truyền thống Nam Bộ. Bộ trường kỷ khảm trai đặt giữa nhà, trên bàn là ấm trà cổ và hộp thuốc lào. Ông Hội Đồng Hoàng ngồi tựa lưng vào ghế, tay cầm tẩu thuốc bằng gỗ mun, ánh mắt chăm chú nhìn ra cửa chính.
Ông mặc chiếc áo dài gấm đen, đầu đội khăn đóng, nét mặt nghiêm nghị nhưng không kém phần uy quyền. Khi hai người con bước vào, ông đặt tẩu thuốc xuống bàn, toan đứng dậy, ánh mắt sắc sảo quét qua hai người, giọng trầm ấm:
“Về rồi hả bây? Đi đường xa có mệt không?”
Cậu Hai Khiêm đưa tay đỡ ông Hội Đồng đứng dậy, giọng kính cẩn:
“Thưa cha, tụi con khỏe. Chuyến đi không gặp khó khăn gì, chỉ có hơi lâu vì đường tàu.”
Cậu Ba Khánh nhanh nhẹn đáp lời, nụ cười thường trực trên môi:
“Thưa cha, tụi con cũng sắp xếp xong mấy mối làm ăn ở bên Pháp rồi, họ nói đợi chuyến buôn tới là họ xuống nhà mình bàn chuyên buôn bán.”
Ông Hội Đồng khẽ gật đầu, nét mặt thoáng nét hài lòng nhưng không tỏ lộ quá rõ. Giọng ông vẫn giữ vẻ nghiêm nghị:
“Thuận lợi thì tốt rồi, nhưng mà chuyện gì khi làm bây cũng phải coi trước ngó sau cẩn thận, người Tây nết ăn chốn ở khác dân An Nam mình nghe con.”
Bà Hội Đồng đứng bên, nghe lời chồng nhắc nhở thì khẽ cười, dịu dàng nói:
“Ông à, tụi nó về cũng mừng rồi, mình đừng nhắc chuyện lớn liền. Để tôi bảo chị Năm dọn cơm nước. Hai đứa đi đường xa, bụng dạ chắc đói lắm rồi.”
Ông Hội Đồng hơi nghiêng đầu đồng ý, nhưng vẫn không quên nhắn nhủ:
“Bây ăn uống nghỉ ngơi đi, đường xá xa xôi cũng mệt lung rồi. Ở nhà ông bà tổ tiên nhớ làm sao cho tươm tất, đừng có giống như cái nếp bên Tây mà quên lễ nghĩa dân mình.”
Hai anh em đồng thanh:
"Dạ tụi con nhớ rồi"
Bữa cơm tối
Mâm cơm nhà Hội Đồng bày biện đầy đặn, từ món canh chua cá lóc, thịt kho tàu, cá rô kho tộ đến dĩa rau lang luộc chấm mắm. Dưới ánh đèn dầu dịu nhẹ, bữa cơm gia đình hiện lên trọn vẹn sự ấm cúng và giản dị của nếp nhà Nam Bộ.
Bà Hội Đồng gắp thức ăn cho hai con, giọng ân cần:
“Má biết tụi con bên Tây ăn đồ Tây, giờ về đây chắc lạ miệng. Nhưng phải nhớ, cơm nhà vẫn là cơm nhà, tụi con ăn mà nhớ nguồn cội nghe chưa.”
Cậu Ba Khánh vừa gắp miếng cá, vừa nói đùa:
“Má, con ở Tây ăn chán bánh mì với bơ lạc rồi, có cơm nhà mình thì ăn hoài không ngán. Thịt kho tàu của má không chỗ nào sánh được.”
Cậu Hai Khiêm ít nói hơn, chỉ khẽ gật đầu, giọng trầm ấm:
“Má nấu thì vẫn ngon nhất. Con đi xa, chỉ nhớ cơm nhà thôi.”
Ông Hội Đồng nhìn hai đứa con, ánh mắt sắc bén nhưng ẩn chứa sự trìu mến:
“Nhớ thì được, nhưng nhớ là một chuyện. Làm sao để giữ được gia sản này, bây lo nổi không mới là chuyện lớn.”
Hai người con trai kính cẩn đáp lại:
“Thưa cha, tụi con hiểu.”
Bà Hội Đồng nhìn sang, ánh mắt có phần hài hước vờ gắt gỏng:
"Ông từ độ sớm giờ thấy tụi nó về nó cứ sản nghiệp này sản nghiệp nọ, còn ở nhà với tui là ông cứ chậc lưỡi ra cửa ngóng quài"
"Cái bà này không để chút mặt mũi nào cho tui với con hết đi"
Cả hai nhìn nhau chỉ biết cười trừ. Ba Khánh đảo mắt ra dấu :"Cha vẫn dưới quyền má, không khác miếng bào"
Hai Khiêm cố nhịn cười, chớp mắt ý bảo :"lo ăn cơm lẹ đi"
Trăng bắt đầu lên cao, nhà ông Hội Đồng đã đi đi ngủ, Hai Khiêm nằm trong phòng suy nghĩ về những ngày bên Pháp, đoạn gác tay lên trán rồi ngủ lúc nào không hay. Còn bên phòng Ba Khánh đã sớm chìm sâu vào giấc nồng, trong giấc mơ ấy vẫn là cảnh khu phố nơi anh sống ở Paris, buổi chiều se se lạnh của trời châu Âu, bên kia đường có một bóng hình mà anh thầm thương nhớ, làn da trắng ngần dưới ánh nắng chiều, giọng hát du dương ngân nga giai điệu của vở kịch "Romeo và Juliet", khi người ấy quay sang nhìn cậu mỉm cười là lúc gà đã gáy sáng, cậu Ba bật dậy với sự tiếc nuối giấc mơ đêm qua. Vùi mặt xuống gối với phía dưới ướt đẫm, thầm nghĩ:"để ai thấy cảnh này chắc là bỏ xứ đi luôn quá, sao mày có thể mộng tinh khi mơ thấy người ta vậy Khánh ơi"
Còn tiếp....
Updated 60 Episodes
Comments