Hoả Tam Sinh
Trong thế giới yêu thú khắp nơi ở Cửu Huyền Đại Lục, không hiếm những cuộc giao tranh giữa người và yêu thú, nhưng hầu hết kết cục của các cuộc chiến đều nghiêng về yêu thú. Để sinh tồn, hơn 10.000 năm trước, những vị tu tiên giả đầu tiên đã xuất hiện. Họ mang trong mình sức mạnh cường đại có thể đánh bại yêu thú dễ dàng, cùng linh đan diệu dược kéo dài tuổi thọ đến trăm vạn năm. Bởi những lợi ích to lớn như vậy mà ngày càng nhiều người đi theo tầm sư học đạo, người người tu tiên, nhà nhà đều muốn con em mình được tu tiên, chẳng mấy chốc mà bước vào thời thịnh thế của tu tiên.
Thịnh thế là thế, nhưng cũng chỉ kéo dài được 2.000 năm thì lụi tàn sau một đêm. Cứ như một giấc mộng, không ai biết chuyện gì đã xảy ra, họ chỉ biết đã từng có một thời kỳ đi đâu cũng thấy tu tiên giả, nhưng chỉ sau một đêm đã không còn bóng dáng một ai. Không khó để thấy vết tích về sự tồn tại của họ, nhưng họ đã đi đâu thì không ai biết. Rồi dần dần mọi người cũng xem đó như một truyền thuyết được kể lại mà chìm dần vào quên lãng.
Có cái suy ắt có cái thịnh, sự lụi tàn của tu tiên lại là sự trỗi dậy của võ đạo. Ban đầu nó là sự phản kháng của con người để bảo vệ gia đình cùng thôn xóm của họ trước yêu thú. Dần dần theo năm tháng, võ đạo trở thành nền tảng sức mạnh cùng uy quyền của các gia tộc và của mỗi quốc gia.
Cửu Huyền Đại Lục rộng lớn khôn cùng, với tài nguyên sơn mạch trù phú, đi cùng với nó không ít loài yêu hùng ác điểu, cùng dị tộc có sức mạnh cường đại trấn giữ. Vì thế, nguồn tài nguyên con người tiếp cận được cũng rất hạn chế. Khi con người có sức mạnh để dựa vào thì nguy hiểm không còn đến từ bên ngoài mà từ lòng tham trong họ. Những cuộc tranh đoạt tài nguyên giữa người với yêu thú, giữa người với người, giữa các gia tộc hay tranh giành lãnh thổ giữa các quốc gia.
Từ đó, những thế lực gia tộc có sức mạnh cường đại dần nổi lên được xem là trụ cột của một quốc gia. Nổi trội nhất phải kể đến Tần quốc, nhờ sức mạnh vượt trội của gia tộc Tần, cùng với một quân đội kỷ luật mà không ngừng khuếch trương mở rộng. Tự xưng là Thiên Triều nhận lệnh của Chư Thiên mở rộng bờ cõi thống nhất Trung Châu.
Sự mở rộng bờ cõi cùng đàn áp của Thiên Triều chắc chắn không thiếu những cuộc đấu tranh phản kháng của các gia tộc khác, nhưng theo thời gian dưới sức mạnh của Thiên Triều họ cũng phải khuất phục. Tuy nhiên, có một vùng đất phía Nam vẫn không ngừng nổi dậy đấu tranh chống lại ách thống trị của Thiên Triều suốt ngàn năm qua. Ở vùng đất này, anh hùng thời nào cũng có, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu rồi đến đời Lý Nam Đế, Định Bộ đứng lên khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của Thiên Triều. Chồng chết vợ nối ngôi, cha ngã xuống thì đời con cháu lại tiếp tục đứng lên, cứ vậy mà kéo dài hơn 900 năm, đến khi vị tướng trẻ tên là Ngô Kiên đứng lên khởi binh chống lại Thiên Triều, một trận thành danh nhấn chìm hơn vạn quân Thiên Triều dưới sông Bạch Đằng. Đến ngàn đời sau vẫn nhắc đến trận Bạch Đằng Huyết Long Giang, vì ngày hôm đó sông Bạch Đằng được nhuộm một màu đỏ tươi từ máu của quân Thiên Triều.
Sau trận Bạch Đằng, Ngô Kiên được tôn lên làm vua hiệu là Ngô Vương, lấy tên quốc là Đại Nam, chính thức chấm dứt hơn ngàn năm đô hộ của Thiên Triều trên vùng đất này. Ngô Vương trị vì được 5 năm, trong một lần vi hành vô tình nhặt được một cổ tích về đạo trường sinh của tu tiên giả. Kể từ đó, ông trở nên ám ảnh với tiên đạo, bởi khi con người đã đạt đến đỉnh cao danh vọng, quyền lực, họ sẽ khao khát trường sinh bất tử, mong muốn vĩnh viễn nắm giữ những gì mình có. Sự khao khát ấy ngày một ăn sâu vào tâm trí Ngô Vương, khiến ông dần bỏ bê việc triều chính, để mặc quốc gia rơi vào tình trạng rối ren.
Triều đình như rắn mất đầu dần dần bị chia rẽ thành nhiều bè phái, quan lại trong triều thay nhau chia bè kéo cánh, lớn nhất trong các phe phái đó phải kể đến Mạc Gia và Trịnh Gia. Triều đình bấy giờ không khác gì một quả bom chỉ chờ một mồi lửa là nổ tung.
Và cái ngày mồi lửa ấy cũng đến, sự biến mất của Ngô Vương đã châm ngòi cho cuộc nội chiến diễn ra. Không ai biết ông đã đi đâu, có người bảo ông đã bị ám sát và giấu trong mật thất, có người lại bảo ông đã đắc đạo thành tiên mà phi thăng. Không ai biết và cũng chẳng ai tìm hiểu, bởi vì sự mất tích của ông đã không quan trọng hơn quyền lực và địa vị của họ
Mở màn cho cuộc nội chiến phải kể đến cái tên Mạc Đăng Dung. Hay tin Ngô Vương mất tích khi các quan đại thần vẫn còn mơ màng về mọi chuyện, hắn đã nhanh tay xuất động binh biến mà đoạt lấy ngôi vua.
Việc đoạt ngôi chẳng vẻ vang, để củng cố quyền lực ắt phải có một con dê tế thần, hắn gán cho gia tộc Trịnh tội mưu sát Ngô Vương mà tru di tam tộc. Lúc bấy giờ Trịnh Kiểm, em trai của tộc trưởng Trịnh Gia đang đóng quân ở Lĩnh Sơn mới hay tin diệt tộc. Để hợp lý việc khởi binh, hắn lập một hoàng đế bù nhìn là Ngô Bá, cháu trai của Ngô Vương, lên ngôi vua.
Từ đó mà có lý do để hiệu triệu quần hùng về dưới trướng, nhờ vậy mà chưa đầy 3 năm Trịnh Kiểm đã chiếm cứ được một vùng rộng lớn, rồi tự phong cho mình chức Phụng Thiên Vương. Một lần Trịnh Kiểm đi săn cùng tùy tùng thì bị sát thủ phục kích mà bỏ mạng, ngay trong đêm đó con trai trưởng của Trịnh Kiểm cũng bị con rể tên là Diệp Vô Tâm đầu độc mà qua đời.
Đoạt được binh quyền lệnh cho tam quân bắc tiến đánh về kinh thành, tưởng chừng với binh lực hùng hậu việc Bắc tiến sẽ dễ dàng, nào ngờ sau một trận phục kích của quân Mạc Gia mà đẩy thế cục giằng co giữa hai quân trong thời gian dài. Con trai thứ của Trịnh Kiểm là Trịnh Nguyên Bá lo sợ anh rể sẽ hại mình, nghe theo cao nhân chỉ điểm, xin vào Nam Châu Thuận Hóa trấn áp giặc Khăn Vàng đang lộng hành, để Diệp Vô Tâm tập trung đánh với quân Mạc. Vô Tâm cho rằng vùng Nam Châu chỉ là nơi hoang vu hẻo lánh, nếu Trịnh Nguyên Bá vào đó bị giặc Khăn Vàng giết lại tiện cả đôi đường.
Không ngờ, Trịnh Nguyên Bá chẳng những tiêu diệt được giặc Khăn Vàng, mà còn chiếm được lòng dân nơi đây.
Mải mê đối phó với nhà Mạc, sau hơn 4 năm Diệp Vô Tâm tiêu diệt được nhà Mạc mới nhớ đến cậu em vợ Trịnh Nguyên Bá, 3 lần đem quân Nam là 3 lần muối mặt quay về. Lần đầu nam tiến, khi quân Diệp Gia đến chân núi Bạch Mã xin được mở đường nam tiến đã bị Sở Vương cự tuyệt. Tức giận, Vô Tâm cho quân tấn công vào Trung Châu. Người xưa nói quả không sai “nóng quá thì mất ngon, giận quá lại mất khôn”, cái giá của cơn tức này là toàn quân bị vây khốn ở dãy Bạch Mã hơn 10 ngày đêm, đến khi Vô Tâm hạ mình xin lui quân mới được Sở Vương tha cho về.
Sau lần đó Vô Tâm bị đả kích mà ngã bệnh hơn 1 tháng rồi qua đời. Đến khi mất, Vô Tâm vẫn không cam tâm mà nhắn với con trai rằng: “Sở Vương chưa mất, Nam Tiến chưa thành” dứt lời mà ra đi.
Hai lần Nam Tiến sau đó quân Diệp Gia đóng chiến thuyền đánh vào Nam Châu nhưng bị quân của Trinh Gia dùng kế của Ngô Vương cắm cọc dưới sông, đánh cho tan tác.
Tứ đó mà Đại Nam Quốc bước vào thời kỳ đất nước chia ba, phía bắc là của Diệp Gia, nam của Trịnh Gia và kẹp giữa là vùng Trung Châu của Sở Vương
Updated 49 Episodes
Comments
➴͜𝄞⃝🍒𝐗𝐢𝐞🥀
Cách miêu tả rõ ràng, mạch lạc và tạo được không khí kỳ ảo, huyền bí. Mình rất thích cách bạn xây dựng bối cảnh và diễn tiến câu chuyện
2025-03-14
0
➴͜𝄞⃝🍒𝐗𝐢𝐞🥀
Bạch Đằng Huyết Long Giang... nghe ngầu áccc
2025-03-14
0
➴͜𝄞⃝🍒𝐗𝐢𝐞🥀
Cách miêu tả sự lụi tàn cuốn ác
2025-03-14
0