Bad Gestures
“Ôm cái nào!”
Nghe giọng con Huyền, tôi chạy một mạch vô lớp, rồi bổ nhào vào người nó. Nhỏ vừa xuất viện hôm nay đã đi học lại, xa Huyền một tuần làm tôi nhớ nó quá. Nó nghỉ thêm một hôm nữa, chắc tôi cũng nghỉ theo nó mất.
“ Nhớ mày ghê, huhu. Lần sau đừng lạng xe qua đường ẩu thả kiểu đó nữa nha, hên một lần không hên được lần hai đâu đấy!”
“ Rồi hên chỗ nào? Nói nghe xem? Gãy xương chân thêm hai cái sẹo ngay tay cũng đủ làm tao khóc ròng nguyên tuần rồi!”
Tôi và nó cứ đứng nói rôm rả như thế suốt cả tiết được nghỉ hôm đó. Chẳng là, hôm ấy nó bị đám con trai trêu, thế là bực mình quá, mới đuổi theo tụi nó. Máu nóng nổi lên làm nó lơ đễnh mất, nó chạy vụt qua đường, rồi chuyện gì đến cũng đến. Chú bảo vệ công trình gần đó đang chạy đến chỗ làm, nó qua đường bất chợt quá,chú thắng không kịp, rồi tông thẳng vô nó luôn. Ôi trời ơi, lúc đó tôi chỉ biết la toáng lên, khóc nấc chạy lại chỗ nó, rồi ngất xỉu trước cái vũng máu ngay chân nó. Mấy đứa con trai tái xanh hết cả mặt mày, rồi cũng phụ mấy người xung quanh đưa nó đến bệnh viện. May là nó không sao. Một trải nghiệm nhớ đời của nó. Nhưng nhìn vậy thôi, tôi chắc nó cũng chẳng chừa đâu. Vì sau đó mấy hôm, nó không đi xe đạp điện nữa, mà nhảy vọt lên xe máy, phóng còn nhanh hơn cả pháo liên thanh. Mẹ nó phải nói là phát ngán vì nó luôn. Mẹ nó thường nói đùa khi tôi đi với nó : “ Nhìn hai đứa mày cứ như mụ bà nấng lộn ấy. Một thằng thì đằm thắm, dịu dàng, giỏi việc nhà biết bao nhiêu, một con thì ở dơ, lười biếng, còn có máu giang hồ nữa! Con Huyền, mày học theo thằng Vinh không được á?”. Hễ nghe mẹ nó nói vậy, nó chỉ toàn bĩu môi. Nhưng nói chung là, chơi với nó, tôi chẳng sợ gì ai hết, vì nó như thần hộ mệnh của tôi vậy. Nó thẳng tay mà “quay đầu dế” mấy thằng to con trong lớp, làm tôi vừa ngưỡng mộ vừa ghen tị. Vì tôi là một đứa chỉ biết học, học, và học. Tôi khá ốm, lùn, không có nhan sắc gì hết, còn vô cùng ít nói, trong lớp tôi chỉ chơi với mỗi nó. Vì cái tật lầm lì, ai sai gì làm nấy, không biết phản kháng mà không ít lần tôi bị mấy đứa trong lớp đùn đẩy, sai vặt. Không những vậy, tôi còn có cả một nhóm “antifan” hùng hậu, chỉ vì chúng nó thường bị so sánh với tôi. Vì thế, nên Huyền là đứa bạn thân duy nhất của tôi. Chúng tôi chơi thân với nhau ngót nghét chắc cũng gần 9 năm trời. Hai đứa hiểu tính nhau đến cái độ mà, chỉ cần quơ tay vài cái là hiểu được đứa kia muốn cái gì. Tôi sinh ngày 8 tháng 6, còn nó sinh ngày 7 tháng 6. Nó luôn tự nhận nó là chị, rồi bắt tôi phải xưng em với nó. Nhỏ dở hơi thật, nhưng nó luôn làm tôi cười, mỗi khi bị bố đánh, hay bị điểm kém. Có thể cũng chính vì như vậy mà chúng tôi thân thiết được đến tận bây giờ, mặc cho bao nhiêu tiếng xấu cũng những tiếng đồn không hay?
Tôi chưa từng quan tâm đến điều đó. Nó cũng vậy. Cuộc sống của hai con người , kẻ hướng nội, người hướng ngoại lẫn lộn cứ thế mà trải qua như vậy đấy. Gia cảnh chúng tôi cũng không khá giả gì mấy. Mẹ tôi mất khi tôi 10 tuổi, hiện giờ tôi sống với bố, làm nhân viên văn phòng, với số tiền lương ba cọc, ba đồng, cùng với khoản nợ lúc trước chạy chữa cho mẹ, tiền gửi về cho hai bên nội ngoại khiến bố tôi thường xuyên bực dọc, cau có, uống rượu nhiều hơn, thường đánh đập tôi mỗi khi ông không vừa ý một điều gì đó. Những ngày đầu, tôi đã khóc đến hai mắt sưng húp rồi díp cả lại. Vì trước giờ bố chưa từng đánh tôi. Nhưng giờ đây, tôi đã quen với điều ấy rồi. Mỗi lần bố đánh, tôi lại cố gắng ngồi xổm, áp mặt vào hai gối, nhắm nghiền mắt rồi gồng hết cả người lên. Mỗi lần làm như thế, tôi lại đỡ đau hơn phần nào. Còn không thì chạy sang nhà con Huyền trốn. Bố tôi vì giữ thể diện cho mình, nên chỉ khi tôi thoát ra khỏi nhà, bố sẽ không đuổi đánh nữa. Có hôm, tôi ở nhà con Huyền cả hai ngày trời, không đi học, cũng chẳng chịu gặp ai. Mẹ nó cũng biết điều đó, nên mỗi lần tôi tới với những vết bầm dập trên người, cô luôn là người giúp tôi. Hết cơn men trong người, bố sẽ tự đến nhà con Huyền để đưa tôi về. Men rượu đã bào mòn đi ông ấy. Chỉ khi không có men rượu trong người, tôi mới cảm nhận được sự dịu dàng, chịu khó gánh vác mọi thứ của ông. Tôi luôn tự lấy lí do ấy để buộc bản thân mình không được ghét bố, thế nhưng tôi lại không thể làm vậy được. Tôi đã không còn có thể khóc trước đòn roi của bố nữa. Dù thật ra rất căm hận bố, nhưng tôi cũng chẳng thể làm được gì. Tôi thương bố, nhưng cũng rất ghét bố.
Sau buổi học, chúng tôi lần lượt xếp cặp sách rồi ra về. Tôi đi cùng con Huyền, bởi cái chân của nó vẫn còn khá ê ẩm, mặc dù đã tháo bột. Thấy nó bảo nay tự về bằng xe máy, tôi bất giác ớn lạnh. Cái con điên này, mày bị ấm đầu hả? Thế là, tôi phải giật bằng được chìa khoá xe máy của nó, rồi bảo sẽ đưa nó về nhà. Ban đầu , nó cứ nằng nặc không chịu, nhưng lúc sau cũng phải quy phục trước lời đe doạ “không làm bài giúp môn Hoá” của tôi. Trèo lên xe, mà cứ thấy mặt nó bí xị cả lên. Thôi, thua rồi, có nhăn nhó cũng vậy thôi, ráng mà chịu. Tôi nghĩ thầm. Mẹ nó chịu để nó chạy xe như thế này á? Tài thật đấy, rồi nó cũng chạy thật luôn? Lá gan nhỏ này to thật đấy.
Nắng trưa hôm nay gắt thật đấy. Hoa cả hai bên đường như héo rụi vì chẳng chịu được cái nóng bỏng da. Vì sợ lại gặp tai nạn thêm lần nữa, tôi chạy chầm chậm, một phần cũng vì sợ chạy nhanh vấp trúng ổ gà, cái chân con Huyền bị rách vết khâu, lại thêm khổ nó. Chính vì vậy mà tận ba mươi phút sau, chúng tôi mới về đến nhà. Người hai đứa ướt đẫm mồ hôi, con Huyền với cái tính hay cọc, gõ lên đầu tôi một cái rõ đau:
“ Bảo đề tao chở về, đi chậm như rùa, ngu như con bò.”
“ Ơ, mày nghĩ mày làm lại ai với cái chân què hả?” – tôi bĩu môi
Tôi giúp nó dắt xe vào nhà, sau đó chào mẹ nó rồi đi thẳng về. Đường nhà tôi nằm khuất trong hẻm, vì vậy nên nó có vẻ mát mẻ hơn những chỗ lân cận. Con Mon- con chó lông xù nhà tôi, vẫy vẫy cái đuôi rồi sủa lên mấy tiếng sung sướng. Ngày nào cũng vậy. Tôi ôm nó vào lòng, rồi véo vào cái mặt nó một cái rõ đau. Nhưng cậu nhóc vẫn còn vui vẻ lắm. Cửa sổ vẫn đóng, cửa trước vẫn khoá trái như mọi hôm. Lại một ngày nữa, bố không về. Hôm nay cũng vừa tròn một tuần bố không về nhà. Tôi cũng không lấy làm lạ. Quán nhậu hay mấy bar club, chỉ có thể là những chỗ ấy thôi. Ở nhà một mình. Nghe thật đáng sợ với nhiều người, thế nhưng, đối với tôi, điều ấy lại trở nên thật bình thường. Tôi đã chẳng còn để tâm đến việc bố đến những đâu, bố làm gì hay nghĩ gì về mình. Chắc bố cũng nghĩ điều tương tự khi nhắc đến tôi?
Updated 52 Episodes
Comments
Tiểu Út
hay
2023-09-03
1